» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình
Văn thơ
Mong trang web làm một sứ giả văn chương qua góc nhìn của một cá nhân!
Chủ Nhật, ngày 06 tháng 04, 2008

Góp ý về chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ Văn
Điểm Ngôi sao Blog: 17 (3 lượt)
| Bình chọn:

Bài 1: Sự thay đổi sách và chương trình chóng mặt...
    Những suy nghĩ tản mạn qua tiếp xúc với chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ Văn (gọi một cách đầy đủ theo đúng tinh thần của cải cách giáo dục), ngẫm nghĩ đến đâu giãi bày đến đó! Đây là ý kiến của một người đã gắn bó với việc giảng dạy bộ môn mới vỏn vẹn 14 năm. Mong có nhiều đồng nghiệp cùng trao đổi!
    Là một người đã từng học môn Văn theo chương trình cũ, khi ra trường cũng là lúc chúng tôi chứng kiến sự chuyển động của bộ môn, bằng việc sinh viên khi ra trường được triệu tập để học chương trình cải cách. Đó cũng là lần đầu tiên, sinh viên chúng tôi tiếp xúc văn học lãng mạn theo tinh thần cởi mở hơn, được sống say sưa với những cảm xúc trinh nguyên khi khám phá khu vườn thơ của Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Xuân Diệu... để được biết một khuynh hướng văn học lãng mạn không "suy đồi và bạc nhược" như chúng tôi từng học 2 tiết trong trường phổ thông. 
    Đến khi đi dạy học, tôi cũng say sưa khám phá những vẻ đẹp khác lạ của văn học kháng chiến chống Pháp với Bên kia sông Đuống, Tây Tiến gắn liền với các tên tuổi Hoàng Cầm, Quang Dũng, biết một Vợ nhặt của Kim Lân, văn học kháng chiến chống Mỹ với Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Sóng của Xuân Quỳnh, Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích tiểu thuyết Cửa Biển của Nguyên Hồng Huệ Chi đêm tân hôn (sau đổi là Huệ Chi trước lễ cưới)...thế nhưng cũng cảm thấy hụt hẫng khi có những điều chỉnh trong chương trình khi có một số tác giả không được học như Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư... ở chương trình 11. Phần văn xuôi Tự lực Văn đoàn chỉ có Thạch Lam đại diện là quá ít ỏi.  Riêng nhà thơ Tố Hữu, một tác giả khá quen thuộc ở mọi lớp hồi tôi đi học thì cũng chỉ chọn 3 tác phẩm là vừa phải. Sau năm 1997, Tuyên Ngôn Độc lập được đưa vào chương trình Văn là một điều chỉnh cần thiết nhưng lại loại bỏ bằng một bài khái quát về tác gia Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và khái quát văn học 45 - 75 dở hơn bài cũ! Bằng cảm tính, chúng tôi đã lờ mờ nhận ra có điều bất ổn trong cách cải cách môn Văn. Tiếp đến thời điểm năm học 2000 - 2001 lại đánh dấu một sự thay đổi tiếp theo bằng việc ra bộ sách giáo khoa Văn học chỉnh lý hợp nhất mà chủ yếu là cách chọn theo tỷ lệ 50/50 từ hai bộ sách. Vài năm sau đó, cùng với những chuyển động của chương trình và sách giáo khoa cấp THCS, một xu hướng tiếp cận mới với tên gọi bộ môn thay đổi: Ngữ Văn, đã buộc sách giáo khoa THPT từ năm 2006 - 2007 cũng chuyển động theo để đúng tinh thần tích hợp! Và năm học 2008 - 2009 sẽ khép lại chu trình bằng việc ra mắt bộ Ngữ Văn 12. Cùng với những thay đổi về chương trình và sách giáo khoa là định hướng phân ban mà cho đến nay nhiều giáo viên vẫn còn phải chật vật với những thay đổi mới mẻ này!
    Ngỡ rằng, một dự án cải cách tiến hành nhiều năm sẽ đem lại một tinh thần mới cho bộ môn Ngữ Văn, nhưng thực tế không phải vậy. Tôi chỉ trình bày vấn đề từ thực tế của một giáo viên tiếp xúc với chương trình và sách giáo khoa Ngữ Văn hiện nay, để mong góp một tiếng nói nhỏ bé vào việc nhận xét, đánh giá chương trình và sách giáo khoa, những ý kiến mà nếu chỉ ghi trong một tờ phiếu nhận xét và đánh giá e rằng không thể  nói hết!

Bài 2: Những bất hợp lý trong chương trình Ngữ Văn hiện nay.

Chương trình Ngữ Văn THPT được cấu tạo trên tinh thần tích hợp, bảo đảm sự liên thông từ cấp THCS đến THPT. Thế nhưng bên cạnh cấu tạo được trình bày trong cấu trúc tương đối bảo đảm theo trình tự từng phân môn Tiếng Việt - Làm Văn thì phần Văn học bị xé lẻ nhiều và chưa thật sự có tính thuyết phục. Việc đưa các loại văn thuyết minh, văn nhật dụng vào chương trình có ích nhưng có phù hợp mặt bằng chung của học sinh hay không còn là cả một vấn đề!

Theo quan niệm của chúng tôi, việc sắp xếp học tập các bài theo cấu trúc thể loại là một cấu tạo chương trình bất hợp lý và có hại nhiều hơn có lợi. Bởi lẽ sắp xếp như vậy không đáp ứng nhiều cho việc nâng cao trình độ học môn Ngữ Văn - một bộ môn đặc thù nâng cao kiến thức và bồi đắp tâm hồn cho học sinh. Rèn luyện kỹ năng kỹ xảo viết văn cho học sinh không có nghĩa là đưa một dung lượng kiến thức quá nặng, một sự sắp xếp cứng nhắc theo thể loại. Trừ phần văn học dân gian, các thể loại sắp xếp tương đối hợp lý và đúng tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân gian thì sang phần văn học viết cách sắp theo thể loại bộc lộ những điểm bất hợp lý!

1. Bất hợp lý trong việc cho học sinh tiếp cận tác phẩm từ văn học trung đại đến văn học hiện đại mà không cung cấp cho các em những hiểu biết cần thiết về hoàn cảnh ra đời, vị trí tác phẩm trong tiến trình lịch sử văn học. Dù rằng trong phần câu hỏi hướng dẫn học bài (Đọc - hiểu văn bản) có những gợi ý nhưng chủ yếu là tập trung khai thác vào nội dung văn bản. Giáo viên rất nhàm chán khi phải dạy liên tục một thể loại. Cũng vì theo cách chú trọng thể loại này mà có tác giả bị cắt ra đến 2- 3 phần, 2 khối lớp!

2. Chương trình coi nhẹ văn học sử và có kiểu cấu tạo khá lạ lùng: sinh con rồi mới sinh cha! Nghĩa là đứa con tinh thần của các nhà văn được giới thiệu trước, sau đó mới có bài về người cha của nó ở phía sau, với điều kiện phải là tác gia nổi tiếng. Còn không, hầu hết các tác phẩm văn học được giới thiệu một cách hết sức sơ sài, lý lịch nhiều chỗ khiến học sinh cảm thấy mù mờ! Dạo này, dư luận đang lên tiếng báo động về tình trạng học sinh kém về lịch sử, thờ ơ với lịch sử nhưng mới chủ yếu tập trung vào các giáo viên và chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử mà quên không đả động đến môn Ngữ Văn. Chính những người chủ trương dạy học theo thể loại, quá chú trọng văn bản trên tinh thần chủ nghĩa hình thức du nhập từ phương Tây, cố chứng minh sự phát triển văn học là sự phát triển thể loại mà quên mất đây còn là bộ môn bồi đắp tình cảm yêu nước, cung cấp những vẻ đẹp tinh thần của thời đại một cách sinh động nhất. Học sinh tập trung vào văn bản, không biết rõ về thời đại, về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm một cách thấu đáo, từ đó học văn bản máy móc, xơ cứng vô hồn! Tình trạng sai, nhầm, ú ớ về lịch sử có liên quan đến tác phẩm là phổ biến. Ngay cả những văn bản chính luận, văn nhật dụng, văn thuyết minh khi ứng dụng thì các em cũng tỏ ra rất ngô nghê. Vì chương trình hoàn toàn không có những bài khái quát về thời kỳ, giai đoạn văn học như trước kia, cũng chẳng cần quan tâm đến đội ngũ, thế hệ nhà văn, các cây bút tiêu biểu của một khuynh hướng văn học nào, chẳng cần biết đặc điểm nổi bật của văn học giai đoạn đó là gì vì không có trong chương trình! Kết quả là mù sử dẫn đến dốt văn, thầy cô có giỏi mấy cũng không thể khơi được ngọn lửa yêu văn chương cho các em vì chương trình không dành thời lượng cung cấp những kiến thức như vậy!

3. Chương trình môn Ngữ Văn không hề liên quan đến chương trình lịch sử là một điều bất hợp lý. Trước kia, các thế hệ cha ông từng quan niệm “văn - sử - triết bất phân” cũng có nhân tố hợp lý! Vì vậy khi học chương trình cũ, học sinh không mấy khi bị ngỡ ngàng khi tiếp thu văn chương vì có bổ sung từ môn Lịch sử và môn Chính trị. Còn bây giờ, một học sinh giỏi môn Văn ở THCS khi tôi hỏi về kiến thức lịch sử liên quan tới bài văn thì thản nhiên trả lời không biết vì chưa học trong môn Lịch sử. Thời tôi đi học, dù có tách các môn Văn - Sử - Đạo đức ra riêng thì vẫn có thể hào hứng dùng Văn nhớ Sử, dùng Sử nhớ Văn hoặc liên hệ những bài học Đạo đức từ văn chương! Còn theo chương trình mới, sẽ có những robot nhớ kỹ sự kiện lịch sử lại không hề có ý thức liên hệ với văn, với giáo dục công dân. Và ngược lại, giỏi Văn là giỏi lặp lại thầy chứ không hề được trang bị những kiến thức bổ trợ từ các môn học khác. Mạnh thầy của môn nào soạn môn đấy, đó cũng là lý do nhiều giáo viên Văn có kinh nghiệm buộc phải lấn sân lịch sử, giáo dục công dân và tương tự : thầy Sử giỏi đọc Văn, cô Công Dân giỏi đọc thơ! Nhưng lại vi phạm qui định chương trình, vì mỗi tiết chỉ 45 phút, bài dài cũng chỉ 2 tiết!
4. Chương trình và sách giáo khoa còn có những điểm bất cập và kết quả là giáo viên dạy cấp học, khối học nào cũng đều phải lãnh đủ chất lượng học tập bộ môn sa sút dần. Những điều này, thiết tưởng không cần nêu những ví dụ chứng minh vì ai đã đứng trên bục giảng đều cảm thấy thấm đòn, nhưng đành phải hoàn thành chương trình, theo chỉ đạo từ trên xuống mà ít ai kêu ca, hoặc có kêu cũng chẳng ai sửa! Về Sách giáo khoa, chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác, trong đó sẽ nói rõ hơn về những vấn đề có liên quan đến chương trình Ngữ Văn Nâng cao và Ngữ Văn Cơ bản hiện nạy

Bài 3: Ý kiến về Sách giáo khoa Ngữ Văn chương trình phân ban

Trước hết, cần xác định xem có đúng là có sách giáo khoa phân ban đúng nghĩa hay không?

Từ thực tế của 2 năm học sách giáo khoa phân ban (lớp 10 và 11), học sinh chủ yếu sử dụng bộ sách giáo khoa Ngữ Văn cơ bản, vì hầu hết các trường đều chọn giải pháp học ban cơ bản, ban khoa học tự nhiên. Hai ban này, tất yếu phải học Ngữ Văn theo Sách giáo khoa bộ cơ bản (CB). Còn lại, có một tỷ lệ rất ít, theo ước tính xác suất của chúng tôi, khoảng chưa tới 10% là học ban khoa học xã hội, sử dụng sách Ngữ Văn nâng cao. Một sự chênh lệch làm tổn thương những ai yêu mến và muốn khẳng định vị trí của bộ môn giàu tính nhân văn này trong nhà trường phổ thông. Một câu hỏi đặt ra: với tỷ lệ chênh lệch quá lớn như thế, liệu có còn tồn tại cái gọi là phân ban trong nhà trường phổ thông hay không? Có phải rằng nhu cầu xã hội sau này thiên về các môn khoa học tự nhiên, theo tỷ lệ mà Ban KHXH quá thảm hại so với Ban KHTN và Ban cơ bản đang diễn ra trong trường phổ thông? Chúng tôi xin nói thẳng: chúng ta đang né tránh một sự thật về sự phá sản của chương trình phân ban. Một dự án tốn bao nhiêu tỷ đồng của nhà nước nhưng không góp phần điều chỉnh nhu cầu lao động, ngành nghề trong tương lai cho học sinh, gây lãng phí lớn!

Vấn đề tiếp theo, chúng tôi xin đưa tra một số nhận xét về sách giáo khoa đã được sử dụng cho hai khối 10 và 11 trong hai năm học vừa qua cho Ban Cơ bản và Ban Khoa học tự nhiên (vì ảnh hưởng trực tiếp đến đại đa số học sinh hai khối này).

Ở bộ CB 10, phần Văn bắt đầu là bài Tổng quan văn học Việt Nam và sau đó là bài Khái quát văn học dân gian Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, trong các bài trích cụ thể, sau trích đoạn Đam Săn tự dưng nhảy vào chễm chệ hai trích đoạn sử thi Ô-đi-xêRamayana trong hàng loạt các tác phẩm sắp xếp theo thể loại của văn học dân gian Việt Nam. Chúng tôi không hiểu là việc đưa hai tác phẩm đó có giúp học sinh liên hệ so sánh thể loại để tự hào về các thể loại đặc trưng của dân tộc hay không? Hay đưa vào để so sánh thể loại cho tiện tay? Vì nếu như so sánh để hiểu đặc trưng thể loại, tại sao không chọn lọc đưa vào tiếp các truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao đặc sắc của thế giới? Hay chỉ có thể loại sử thi là đáng sánh tầm thế giới mà thôi? Tương tự, sang phần văn học viết, sau bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX là các bài thơ Đường luật của Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du. Sau đó đột ngột nhảy vào bài Thơ Đường và hai tác phẩm của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Tiếp đến lại là bài Phú sông Bạch Đằng  của Trương Hán Siêu, rồi lại vòng sang giới thiệu ông Nguyễn Trãi, mới tiếp tục Đại cáo Bình Ngô (ông Nguyễn Trãi đặt lọt vào giữa hai đứa con tinh thần!). Rồi sau đó lại là ba tác phẩm văn xuôi chữ Hán của các tác giả Việt Nam, lại tiếp tục nhảy vào ông La Quán Trung bên Tàu với trích đoạn Tam quốc diễn nghĩa. Vậy thì đề cao thể loại trong văn học Việt Nam, hay là tiện tay thì so sánh với đệ nhất đại kỳ thư Trung Hoa vậy thôi? Theo chúng tôi, đã so sánh thì so sánh toàn diện, còn không thì giới thiệu văn học nước ngoài thành một phần riêng, như cấu tạo sách giáo khoa cũ, để khỏi có cảm giác cực kỳ khó chịu khi giảng dạy! Hai thể loại đặc trưng của văn học dân tộc được giới thiệu sau cùng là ngâm khúc và truyện thơ thì cũng chỉ có một trích đoạn Chinh phụ ngâm và sau bài về tác gia Nguyễn Du là ba trích đoạn Truyện Kiều. (ông Nguyễn Du cũng bị y như ông Nguyễn Trãi). Thứ tự thời gian bị đảo lộn làm cho giáo viên cảm thấy lúng túng, vì không tránh khỏi lặp lại kiến thức và củng cố kiến thức lịch sử văn học cho học sinh.

Ở bộ CB 11, tình hình cũng không khá hơn. Học sinh lại quay về với thể Đường luật với các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Thực chất 7 bài đầu tiên không có thể loại nào được sắp xếp tử tế: Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác, hát nói Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ, quay lại truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng của cụ (Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến sắp xếp đảo lộn và bị loại ra không được tính là tác gia văn học như sách cũ). Từ văn học trung đại sang văn học cận hiện đại là sự chuyển tiếp đột ngột, bằng cách sau hai bài Ôn tập văn học trung đạiKhái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945 là học ngay một loạt truyện ngắn giai đoạn 1932 – 1945. Rồi kết lại phần tập 1 là kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và lại đưa Romeo và Juliet của Sêc-xpia (chắc là để so sánh). Chạy hết tập 1 sang tập 2 của bộ cơ bản, lúc bấy giờ mới thấy xuất hiện …thơ Đường luật của Phan Bội Châu, bài Hầu Trời của Tản Đà (được xem là cầu nối hai thời đại văn học), theo chúng tôi Tản Đà phải học bài Thề non nước mới đúng! Sau đó là một loạt thơ lãng mạn và cách mạng từ 1930 – 1945 và một loạt các tác phẩm văn học nước ngoài (chiếm phần lớn thời gian học ở học kỳ II). Những giáo viên đứng lớp chắc chắn có cảm giác như người đang chạy tiếp sức, sực nhớ quên…cầm gậy, chạy về rồi cắm cổ chạy tiếp!!! Cái cảm giác mệt mỏi vì phải tiếp xúc với một rừng thể loại, bơi giữa biển tác giả làm chính giáo viên cũng mỏi mệt, còn nói gì đến học sinh.

Cả hai bộ sách giáo khoa cơ bản 10 và 11 đều hoàn toàn vứt bỏ tính hệ thống, tính chỉnh thể, tính khoa học, tính lịch sử của văn chương, qua đó gián tiếp thủ tiêu sức mạnh nhân văn của tác phẩm trong thời đại. Tác giả thoắt ẩn thoắt hiện, học sinh lúc ở Việt Nam lúc ra thế giới. Riêng phần Văn thôi đã thấy choáng váng! Khi chúng tôi được tập huấn học thay sách, xem băng dạy học mẫu đã thấy cảnh tan nát của một giờ văn, nhưng như đạn đã lên nòng thì phải bắn, còn trúng đích không thì…chờ đã! Các bài phần Văn đan xen với hàng loạt kiến thức về Tiếng Việt, Làm Văn theo tinh thần tích hợp xem ra chỉ làm cho cả thầy và trò như bơi trong một biển chữ với kho kiến thức cực kỳ hàn lâm, nhưng xem ra hiệu quả không bao nhiêu. Trên một trang điện tử của Bộ từng có bài than phiền 90% học sinh không hiểu bài môn Ngữ Văn phân ban thí điểm, đến khi phân ban đại trà, tình hình cũng chẳng khá hơn!

Xem ra, chuyện chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ Văn phân ban còn là chuyện dài nhiều tập, vì năm học tới còn phải tiếp tục học bộ Ngữ Văn 12 cơ bản và nâng cao rồi mới có cơ sở kết luận cuối cùng, qui trách nhiệm cụ thể. Tham nhũng bị phát hiện thì ở tù, lãng phí thì bị lên án. Còn lãng phí khổng lồ cho dự án phân ban mà không đạt hiệu quả, không biết có ai phải chịu trách nhiệm chính? Nhưng hậu quả là học sinh học văn càng lúc càng kinh hoàng, thậm chí thế hệ 9X có những bài văn vượt rào khi tha hồ tưởng tượng chuyện Mị Châu làm quản trị Net và Trọng Thủy thành cao thủ Võ lâm online và sáng tạo ra đủ thứ ngôn ngữ kỳ quái trên mạng thì không có nhà ngữ pháp, nhà nghiên cứu nào lường được! Học trò thì có dịp vui vì không phải học những bài văn gò vào thể loại trong trường lớp! Sợ thay!

                                                            Trần Hà Nam

 

Lãng tử Trần >> 02:15 PM 8 góp ý

8 Góp ý:

Vào lúc 02:25 AM | Thứ Năm, ngày 01 tháng 05, 2008, Khải Hoàn
khaihoanVăn học trước hết là nhân học. Sách dậy văn học hay tác phẩm phải là sách dạy làm người. Làm người là có tình yêu, thương, đức vị tha, lòng can đảm, biết ăn ở tốt với mọi người. Văn hộc dạy làm người khác với bộ môn khác dạy làm người. Vậy thì mới bàn đến đặc trưng của văn học. Tiếng Việt là vũ khí truyền cảm mạnh. Dậy văn là tập cho học sinh biết khai thác thành thạo vũ khí đó.
Xưa các cụ thường nói : văn là người. Nay vẫn vậy và mai sau vẫn vậy.
Thông cảm với bănm khoăn của bạn lắm.
KH

Vào lúc 10:33 PM | Thứ Ba, ngày 08 tháng 04, 2008, tamnha
nhunhaĐố thầy biết ông "Go-rơ-ki"là ông nào?

Vào lúc 10:26 PM | Thứ Hai, ngày 07 tháng 04, 2008, (vô danh)
tiền dự án mà

Vào lúc 01:08 PM | Thứ Hai, ngày 07 tháng 04, 2008, Tê Giác
nguyentuan2007Cái này nói mãi cũng chẳng biết sao nữa , chỉ khổ cho tụi trẻ . botay .

Vào lúc 08:41 AM | Thứ Hai, ngày 07 tháng 04, 2008, (vô danh)
Ơ, SGK Văn 10 đưa cả Đệ nhất đại kỳ thư Tam Quốc Diễn Nghĩa vào ạ?! Trời, chắc là các bác nhà ta nghĩ: lớp trẻ thích phim Tàu thì đưa luôn vào đây cho chúng không thấy xa lạ ... (hmm).

Còn lớp 11, cắt mất bài Thề Non Nước của bác Tản Đà rồi sao?!

Hồi xưa học Văn, quả đúng là đã thấy nội dung chương trình phân bổ bất hợp lý lắm, nhưng thật cũng không có gì để so sánh, chỉ thấy mình cũng ù ù cạc cạc ... 15 tuổi cố mà hiểu tâm trạng "Kiều ở lầu Ngưng Bích ...", rồi thì ...

Mà, mong rằng việc này được quan tâm để ý một cái, để mai mốt con cháu đi học lại chẳng tránh được kiểu rối rắm này!

Mint.

Vào lúc 06:48 PM | Chủ Nhật, ngày 06 tháng 04, 2008, HOANG TRUNG
tiengiangquetoiToi thay chuyen nay la quoc su day,,,chung ta can co mot dien dan,,cam on ban da quan tam,,,toi se thuong xuyen ung ho no do,,,

Vào lúc 04:19 PM | Chủ Nhật, ngày 06 tháng 04, 2008, ĐOM ĐÓM
domdom2Ô, XIN CẢM ƠN!"NGHỆ THUẬT LÀ TÔI, KHOA HỌC LÀ CHÚNG TA" CHÍNH LÀ NHƯ VẬY!
ANH Ạ, CỨ MẠNH DẠN MÀ BÀN, VÌ TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC ĐÓ MÀ ! TẤT NHIÊN LÀ BÀN THEO HƯỚNG XÂY DỰNG LÀM CHÍNH VÀ PHẢI CÓ BẢN LĨNH. ĐÃ TỪ LÂU RỒI NGƯỜI TA COI TRỌNG CÁI BẰNG LẮM! NGƯỜI VIỆT NAM TA HỄ NGHE NÓI ĐẾN CHỨC DANH VÀ QUYỀN LỰC LÀ SỢ VÃI ĐÁI RA RỒI, CHỨ CHƯA CẦN BIẾT CÁI THỰC CỦA NGƯỜI ĐÓ NHƯ THẾ NÀO! CHÍNH TÂM LÍ ẤY LÀ TRỞ LỰC LỚN NHẤT. CÒN DƯ LUẬN Ư, CHỦ YẾU LÀ BÁO CHÍ, THƯỜNG HAY BỚI LÔNG TÌM VẾT ĐỂ NÂNG MÌNH LÊN ĐÓ MÀ
VÀ TẤT NHIÊN, THEO QUY LUẬT KHÁCH QUAN, Ý THỨC XÃ HỘI PHẢI PHÙ HỢP VỚI TỒN TẠI XÃ HỘI. TỒN TẠI XÃ HỘI LÀ CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG, LẤY LỢI NHẬN LÀM CHÍNH, VẬY THÌ Ý THỨC XÃ HỘI NHƯ TƯ TƯỞNG, SÁCH BÁO CŨNG THEO ĐÓ MÀ LẤY LỢI NHẬN LÀM CHÍNH ẤY MÀ! CHO NÊN MỚI CÓ CHUYỆN VÔ CÙNG LẠ LÙNG LẤY HÍP HÓP LÀM ĐỀ THI VĂN THẾ KIA ! CHÚC VUI, HẸN GẶP LẠI !

Vào lúc 03:55 PM | Chủ Nhật, ngày 06 tháng 04, 2008, Hoài Công Anh
lymoclanBây giờ Bộ ta cứ thế đấy. Hoa hết cả mắt.

Gởi góp ý mới

<< Trở về

Blog tranhanam
tranlangtu tranlangtu
(đã offline)
Lượt xem: 222973
tranhanam Tên:
Lãng tử Trần
Nơi cư ngụ:
Quy Nhơn, Bình Định, Vietnam
Số điểm của Blog này là 4866 (số lần vote: 1066)


Lưu bút
levanvi Thầy ơi, giúp em xíu. Em không biết đã vô tình điều chình mục nào mà tất cả các bài viết, bài góp ý đều phải qua kiểm duyệt trước khi đăng.
Thầy có thể hướng dẫn giúp em bỏ check đó nha.
Hay là tài khoản của em thuộc tài khoản "đen" nhỉ?
  gởi lúc 10:36 12/06/2008
bambi Em thì chả đủ bản lĩnh để thâu đêm cùng bóng đá với anh Lãng và chị Smit rùi, giấc ngủ muôn năm, sáng ra đã có hai anh chị bình loạn cho nghe rùi, hí hí
  gởi lúc 09:44 09/06/2008
nhatran Mới có 2 trận, chắc bác chưa ... "tan nát đời trai ... jà" vì ... la ó giữa đêm khuya đâu bác nhỉ?! Phát huy nhé! Khà khà :-D
  gởi lúc 12:46 08/06/2008
bienphongvietnam cảm ơn bác đã có lời khen động viên. tính em hơi nóng tính và đồng bóng nên hay nóng mặt với kẻ phá đám bởi vậy mà không được người ưa. nhưng biết làm sao được, mà cũng phải có người dở tính như em mấy kẻ phá đám mới ngại bác nhỉ? bac động viên thế là em mừng lắm.
  gởi lúc 08:43 05/06/2008
toilaai01 cám on anh nhiêu
  gởi lúc 16:56 04/06/2008
Xem tất cả

Bạn bè
hieept
nhoccon166
vohinhlangtu
langtuttc
bambi
juliahong121
hynosp
nhatran
simplesoul

Trang web của tôi

Đường dẫn yêu thích
  • http://www3.ttvnol.com/bi ...
  • http://www.xitrum.net
  • http://www.vietsciences.o ...
  • http://www.hn-ams.org
  • http://www.evan.com.vn
  • http://www.en.wikipedia.o ...
  • http://www.chungta.com
  • http://www.binhdinhonline ...
  • http://www.baobinhdinh.co ...
  • http://vietsciences.free. ...
  • http://mangbinhdinh.com
  • http://ddhsonline.com
  • http://clbxuandieu.vnwebl ...
  • http://clbxuandieu.multip ...



Powered by Ngoisaoblog.com