» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Tư liệu về Nguyễn Ánh

Điểm Ngôi sao Blog: 13 (3 lượt)
| Bình chọn:

Tư liệu về Nguyễn Ánh

 

Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử hôm nay nên sớm ngồi lại với nhau, để đánh giá lại một cách công tâm và khoa học hơn vị vua đầu triều Nguyễn này…

 

 I.Tiểu sử:

 

Nguyễn Ánh (hay Nguyễn Phúc Ánh), là người sáng lập ra triều đại nhà Nguyễn. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1762),lên ngôi ngày 1 tháng 6 âm lịch năm 1802, đặt niên hiệu là Gia Long , trị vì từ năm 1802 đến năm 1820.

 

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, năm Ất Dậu (1765), Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát mất. Quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền đưa Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa để dễ bề thao túng.

 

Từ đó Ðàng Trong bắt đầu đi vào con đường suy thoái. Vì sưu cao thuế nặng, khắp nơi đều vang lên tiếng than oán và cuối cùng dẫn đến việc ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa năm Quí Tỵ (1773).

  Lợi dụng lúc Ðàng Trong có nội loạn, Chúa Trịnh xua quân qua sông Linh Giang tấn công Phú Xuân (Huế). Phú Xuân thất thủ, chúa tôi họ Nguyễn phải chạy vào Gia Ðịnh.Trong số người chạy loạn có Nguyễn Ánh lúc bấy giờ mới 13 tuổi. Nguyễn Ánh là hoàng tử thứ 3 của Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàng. 

Lúc còn tuổi thơ ấu, ông rất được Chúa Nguyễn Phúc Thuần thương yêu, nên được ở học trong Vương phủ Vào tuổi thiếu niên, ông đã tỏ ra là người tài trí, khôn ngoan, đầy nghị lực của người có khả năng lập nghiệp lớn.Vì thế tuy tuổi còn nhỏ nhưng ông vẫn được Chúa phong cho chức Chưởng sứ…

Năm Tân Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Ðịnh, Chúa tôi họ Nguyễn phải bỏ thành kéo tàn quân chạy về Ðịnh Tường, Cần Thơ. Quân Tây Sơn truy lùng gắt gao và khi Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần, cùng với cháu là Hoàng thân Nguyễn Phúc Đồng (con Nguyễn Phúc Luân - anh Phúc Ánh) và Tống Phước Thuận, Nguyễn Doanh Khoảng... bị Nguyễn Huệ bắt tại Long Xuyên và đem về Sài Gòn giết, thì chỉ có một mình Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát nạn.

Thế rồi ông phải chạy ra đảo Thổ Chu (trấn Hà Tiên)  bắt đầu một cuộc sống lắm long đong, vất vả. Nhưng cũng từ đó mọi quyền hành quốc sự đều do ông thống lĩnh. năm 1778, khi 16 tuổi, ông được ba quân suy tôn lên làm nguyên soái nhiếp chính quốc.

Năm Canh Tí (1780), Nguyễn Ánh lấy lại được Sài Côn (Saigon) liền lên ngôi Vương.  Năm Nhâm Dần (1782), thấy thế lực Nguyễn Vương ngày càng mạnh, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo quân vào đánh, Saigon thất thủ, Nguyễn Vương lại bôn tẩu về Hà Tiên rồi chạy ra đảo Phú Quốc.

 

Nguyễn Vương vốn là con người có chí nên ông bất chấp gian khổ, canh cánh trong lòng một mối thù phục quốc.

 Chính vì thế nên khi biết được Giám mục Pháp Bá Ða Lộc (Pigneau de Béhaine), người có uy tín và thế lực tại Pháp thời bấy giờ đang ở Ðàng Trong , Nguyễn Vương không ngần ngại cho mời giám mục tới và nhờ Đức cha này làm sứ giả trong việc cầu viện Pháp. Nguyễn Vương đã để cho con trưởng của mình là Nguyễn Phúc Cảnh mới 4 tuổi theo Giám mục Bá Ða Lộc sang Pháp làm con tin. 

Khi đưa con đi rồi Nguyễn Vương cũng từ giã mẹ và vợ để sang Xiêm La (Thái Lan) cầu cứu. Tới tháng 6 năm 1784 thì vua Xiêm cho tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 20 vạn quân và 300 chiếc thuyền sang giúp Nguyễn Vương. Lúc đầu quân Xiêm đại thắng chiếm nhiều tỉnh Kiên Giang, Trà Ôn, Sa Ðéc. Sau đích thân Nguyễn Huệ đem đại quân vào đánh, quân Xiêm thua bỏ chạy về nước, Nguyễn Vương cũng chạy theo về Xiêm La lánh nạn.

 

Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh tiến chiếm Phú Xuân rồi rồi thừa thắng tiến ra Thăng Long (Hà Nội) diệt họ Trịnh.

 

Việc Nguyễn Huệ ra Bắc làm cho vua Thái Đức Nguyễn Nhạc (anh của Nguyễn Huệ) nghi ngờ nên cũng vội vã đem quân ra Bắc, hai anh em gặp nhau ở Thăng Long rồi cùng về. Nguyễn Huệ được đóng quân ở Phú Xuân và được phong là Bắc Bình Vương. Từ đó anh em Tây Sơn đã có mầm móng bất hoà, nhiều lần hai anh em đã đem quân đánh nhau.

 

Vì ham tranh quyền nên anh em Tây Sơn đã không ngó ngàng gì đến các xứ Ðàng Trong nhất là từ Qui Nhơn (Bình Ðịnh) trở vào.Lợi dụng thời cơ đó, tháng 9 năm Ðinh Mùi (1787), Nguyễn Vương đã cùng với các bộ tướng trở về nước.

 Nguyễn Vương đã được dân miền Nam giúp đở rất nhiều, có nhiều tướng giỏi đến phò giúp, nên chẳng mấy chốc lực lượng của Vương đã lớn mạnh. Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ phải bỏ Gia Ðịnh trở về Qui Nhơn.

 Nguyễn Vương lấy toàn bộ xứ Gia Ðịnh đặt làm bản doanh rồi bắt đầu tổ chức việc cai trị. Năm Canh Tuất (1790) Vương cho đắp lại thành Gia Ðịnh theo kiểu bát quái có 8 cửa xây bằng đá ong.

 

Thấy Nguyễn Vương lớn mạnh, tháng 3 năm Nhâm Dần (1782) vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc đem quân vào đánh nhưng bị quân Nguyễn Vương đánh lui. Kể từ đó về sau, quân Tây Sơn luôn thất bại khi đem quân vào đánh.

 

Ở Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lại tiến quân ra Bắc diệt nhà Lê rồi cho Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhiệm ở lại để cai trị Bắc Hà. Vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang đánh. Ðược tin, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Ðế ở Phú Xuân lấy hiệu là Quang Trung thống lãnh đại quân tiến ra Bắc đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị phải chạy thoát thân bỏ quên cả ấn tín.

 

Thế nhưng, vào năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung băng hà, con là Quang Toản lên ngôi mới 10 tuổi, vì thế vương nghiệp triều Tây Sơn nhanh chóng rơi vào suy vong.

 

Ðược tin vua Quang Trung không còn, Nguyễn Vương rất vui mừng, đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn.

 

Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông Mân), De Forçant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đắp thành, v.v...

 

Cuộc chiến kéo dài đến năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Vương chiếm lại được Phú Xuân, và ngày mồng 2 tháng 5 năm Nhăm Tuất (1802) Nguyễn Vương lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Lên ngôi xong vua Gia Long đưa quân tiến ra đất Bắc, quân Tây Sơn tan rã lần hồi. Ðến tháng 6 cùng năm thì vua Gia Long đã thống nhất được sơn hà, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm.

 

Vua sai sứ sang Tàu cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam-Việt, nhưng vì đất Nam-Việt đã có bên Tàu đời nhà Triệu ngày trước nên Thanh triều mới đổi chữ Việt lên trên, gọi là Việt-Nam để cho khỏi lầm với tên cũ..

 

Sau 18 năm ở ngôi, Gia Long băng hà ngày 19 tháng 12 năm Canh Thìn (3-2-1820) năm 1820 và được đặt miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Đế, thọ 58 tuổi (theo Trần Trọng Kim thì Ngài mất năm 1819).. Lăng của vua hiệu Thiên Thọ, tại làng Định Môn, huyện Hương Trà, Huế

II.Công cuộc cai trị đất nước :

 

1/ Đối nội :

Là vua sáng nghiệp của triều Nguyễn, Gia Long phải quyết định rất nhiều việc đặt nền móng cho vương triều có một địa bàn rộng lớn từ Bắc chí Nam. Để tránh lộng quyền, ngay từ đầu nhà vua bãi bỏ chức vụ Tể tướng. ở triều đình chỉ đặt ra 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công do các Thượng thư đứng đầu và Tả hữu tham tri, Tả hữu thị lang giúp việc. ở trong cung cũng vậy, nhà vua không lập ngôi Hoàng hậu, chỉ có Hoàng phi và các cung tần…

Gia Long cho chia cả nước làm 23 trấn, 4 doanh.

 

Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc thành gồm 11 trấn (5 nội trấn và 6 ngoại trấn); từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Định thành gồm 5 trấn; ở quãng giữa là các trấn độc lập: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận

  Đất kinh kỳ đặt 4 doanh: Trực Lệ Quảng Đức doanh (tức Thừa Thiên), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh và Quảng Nam doanh.

Cai quản Bắc thành và Gia Định thành có Tổng trấn và Phó tổng trấn. Mỗi trấn có Lưu trấn hay Trấn thư, cai bạ và ký lục. Trấn chia ra phủ, huyện, châu có tri phủ, tri huyện, tri châu đứng đầu.

 

Đây là lần đầu trên một lãnh thổ thống nhất, các tổ chức hành chính được sắp đặt chính quy như vậy.

 Quản lý đinh khẩu, ruộng đất và thuế khóa áp dụng theo mẫu hình thời Lê sơ nhưng được thực hiện trên quy mô lớn hơn, có quy củ hơn.

Đáng chú ý là việc làm sổ ruộng (địa bạ) dưới thời Gia Long được tiến hành nhất loạt, có quy mô toàn quốc.

 

Các làng xã phải lập sổ địa bạ ghi rõ từng loại ruộng đất, diện tích, vị trí, công, tư... chép thành 3 bản nộp lên bộ Hộ. Bộ đóng dấu kiềm, lưu 1 quyển, tỉnh giữ 1, xã giữ 1. Năm năm làm lại địa bạ một lần.

 Đến nay còn lưu giữ khá đủ toàn bộ địa ba Gia Long của các trấn, doanh cả nước. Trên cơ sở điều tra kê cứu địa chí các địa phương. Cả nước gồm 4 địa hình sông núi, cầu quán, chợ búa, phong tục, thổ sản...

Năm Bính Dần (1806), vua Gia Long sai biên soạn và ban hành bộ "Nhất thống địa dư chí" gồm 10 quyển.

 

Năm ất Hợi (1815) bộ "Quốc triều hình luật" gồm 22 quyển với 398 điều luật đã được ban hành.

 

Công cuộc khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long được tiếp tục.Nhà nước đã bỏ tiền đào kênh Thoại Hà tạo thuận lợi cho việc khẩn hoang.

 

Việc trị thủy vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng được Gia Long chú ý ngay từ đầu. Năm Giáp Tý (1804), trên đường ra Bắc làm lễ thụ phong của nhà Thanh, Gia Long cũng nêu vấn đề đắp đê để sĩ phu Bắc Hà bàn luận. Mặc dù chưa nhất trí, nhà vua vẫn quyết định đắp đê. Thời Gia Long khối lượng đê, kè, cống được đắp nhiều nhất so với các triều trước.

Nhận định về nhân cách của Gia Long, nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết trong sách Việt Nam sử Lược :

 

Vua Thể tổ là ông vua có tài trí, rất khôn ngoan, trong 25 năm trời, chống nhau với Tây Sơn, trải bao nhiêu lần hoạn nạn, thế mà không bao giờ ngã lòng, cứ một niềm lo sợ khôi phục. Ngài lại có cái đức tính rất tốt của những kẻ lập nghiệp lớn, là cái đức tính biết chọn người mà dùng, khiến cho những kẻ hào kiệt ai cũng nức lòng mà theo giúp. Bởi vậy cho nên không những là ngài khôi phục được nghiệp cũ, mà lại thống nhất được sơn hà, và sửa sang được mọi việc, làm cho nước ta lúc bấy giờ thành một nước cường đại, từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy.

 

Công nghiệp của ngài thì to thật, tài trí của ngài thì cao thật, nhưng chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho những công thần, mà lại lấy những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, như Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường; khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy, cũng nhớ đến vua Hán Cao tổ, và lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh …

2/Đối ngoại :

Triều Nguyễn một mặt tranh thủ sự ủng hộ và giữ lễ thần phục nhà Thanh, mặc khác lại tạo quan hệ đàn anh đối với Chân Lạp và Ai Lao.Riêng đối với người Pháp, Gia Long mặc dù rất hậu đãi nhưng ông chỉ cho bổng lộc, chức tước mà không ban quyền hạn, do đó họ không thể chi phối được chính sự nhà Nguyễn. Nhà vua thường cảnh tỉnh các triều thần về mối đe dọa sự an nguy của quốc gia từ sự thông thương và truyền đạo của Pháp.

Trong việc truyền ngôi, vua Gia Long đã không chọn đích tôn của mình (tức con của Hoàng tử Cảnh) cũng vì sợ những ảnh hưởng của Pháp len đến tận ngai vàng. Mặc dù có nhiều đình thần phản đối nhưng ông vẫn chọn vị hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị.

Hoàng tử Đảm ( Minh Mạng) vốn là người hay bài xích đạo Thiên Chúa và không có chút cảm tình nào với người Pháp. Gia Long đã dặn trong di chiếu rất rõ với Minh Mạng rằng hãy đối xử tử tế với người Âu nhưng hết sức cảnh giác trước các tham vọng của họ

Nguyễn Quang Trung Tiến có nhận xét:

 "Trong hoàn cảnh mới của lịch sử, ở con người Gia Long chỉ có thái độ hòa dịu với người Pháp do phải biểu hiện sự hàm ơn một cách miễn cưỡng, chứ hoàn toàn không có sự thỏa hiệp và bán rẻ quyền lợi quốc gia cho ngoại bang.Gia Long còn là người hết sức cảnh giác trước mưu đồ thâm nhập Việt Nam của tư bản Pháp và Tây Âu; là người quyết tâm bảo vệ vẹn toàn lợi ích quốc gia - dân tộc trước sức ép của chủ nghĩa tư bản Pháp mà các chính sách của Minh Mạng là bằng chứng biện minh hết sức thuyết phục…" 

III. Ghi chú thêm :Chính phủ Pháp có giúp đỡ Nguyễn Ánh hay không?Ngày 27 tháng 12 năm 1787, Bá -đa-lộc rời nước Pháp cùng Hoàng tử Cảnh và trở lại Pondichéry để đợi sự chi viện từ phía chính quyền Louis, nhưng ngày 14 tháng 7 năm 1789 giai cấp tư sản Pháp đã làm cuộc cách mạng lật đổ triều đại phong kiến Louis, thiết lập nền cộng hòa tư sản. Chờ mãi mà không nhận được sự chi viện, giám mục Pigneau de Béhaine đã quyên góp tiền từ các thương gia có mưu đồ đặt cơ sở buôn bán ở Việt Nam cùng với số tiền 15.000 franc Pháp của gia đình mình cho, đem mua súng đạn và tàu chiến. Đồng thời vị cha cố này cũng đã kêu gọi, thuê mướn một số người Pháp khác am tường việc huấn luyện quân sự, xây đắp thành lũy … sang giúp. 

Vậy mà theo Sách Việt Nam Sử Lược, phần viết về Gia Long, Trần Trọng Kim viết :

 

…Tháng sáu năm đinh sửu (1817), chiếc tàu binh tên là Cybèle của nước Pháp vào cử Đà Nẵng. Quan thuyền trưởng là bá tước De Kergarion nói rằng Pháp Hoàng Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước do Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Vua Thế Tổ sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp khi  trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa…

Vì vậy có thể khẳng định: các hoạt động giúp đỡ Nguyễn Ánh về mặt quân sự của vị giám mục này, chỉ có tính cách của một cá nhân,  không phải là sự trợ giúp chính thức của chính phủ Pháp ! 

Bùi Thụy Đào Nguyên, sao chép

 Tài Liệu sử dụng: 

- Việt Nam sử lược .Trần Trọng Kim 

- Bài viết về Gia Long của Nguyễn Tấn Lộc

-http://vi.wi kipedia.org/wiki/Gia_Long

-http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/lichsu/lsvn/trieunguyen/gialong.htm 

1 góp ý



1 Góp ý:

TÚ ĐÔI góp ý:
08:07 AM | Thứ Ba, ngày 04 tháng 09, 2007

Chỉ cần đọc tít bài đã biết ngay của Đào Nguyên . Công phu thật .

» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây !

<< Trở về