» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Bùi Hữu Nghĩa...Phần II

Điểm Ngôi sao Blog: 6 (1 lượt)
| Bình chọn:

kk

III.Lúc “quân tiền hiệu lực”ở Vĩnh Thông, Châu đốc:

Biên giới phía Tây Nam vào những năm sau 1835 là nơi hai dân tộc luôn va chạm nhau về quyền lợi, về đất đai… Do vậy, lực lượng biên phòng của hai phía thường xuyên va chạm.Trong một lần đối đầu,BHN và một số lính bị bắt. Nhiều người Khơ-me ở Láng Thé (Trà Vinh) hay tin kéo đến cấp trên của đối phương, kể hết đầu đuôi vụ án ngày nào và họ còn tha thiết xin thế mạng. Nhờ vậy, ông được phóng thích và đưa về Tịnh Biên (An Giang)…


Và chính ở nơi biên cương hoang vắng này, hơn bao giờ hết, BHN càng thấm thía hai chữ “công danh”của riêng mình, rồi càng buồn bã vì nạn dân, nạn nước : 

Qua Hà Âm cảm tác 

Mịt mịt mây đen kéo tối sầm 

Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm 

Đống xương vô định sương phau trắng  

Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm 

Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy,

Đèn trời leo lét dặm u lâm

Nghĩ thương con tạo sao dời đổi


Dắng dỏi(vang động ) đêm trường tiếng dế ngâm”.


Như trong bài viết của tôi về Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa cũng sống trong thời kỳ phong kiến Việt Nam có nhiều biến cố.Nổi bật là cuộc đối đầu giữa dân tộc ta với thực dân bên ngoài. Là cuộc sống quá đổi bần hàn của người dân, vì giặc ngoại xâm, thiên tai gây mất mùa triền miên; vì nạn sưu thuế cao và bọn tham quan cường hào khiến loạn lạc xảy ra nhiều nơi ( các cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Dương, Lê văn Khôi, Nông Văn Vân, Lê Duy Cự vv..)

 

Trước thực tại rối ren đó, một số quan lại yêu nước như Nguyễn Tư Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông …cùng những trí thức nặng lòng với non sông như Hồ Huấn Nghiệp , Nguyễn Hữu Huân, Phan văn Trị , Học Lạc vv…sinh lòng ngao ngán bởi một triều đình chỉ giỏi nghi kỵ, thâu tóm, đàn áp…nhưng lại tỏ ra hèn nhát, bất lực, không đoàn kết được dân tộc.

Cho nên, mặc dù có nhiều cuộc kháng chiến anh dũng của những Trương Định, Nguyễn Trung Trực,Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân …và một số trung thần dốc sức chống đỡ như Tôn Thất Hiệp, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu …Nhưng cuối cùng, đất nước ta cũng mất dần vào tay ngoại xâm .

 IV. Tâm trạng BHN qua vài tác phẩm tiêu biểu của ông: 

 

Có thể nói những áng thơ văn của họ Bùi cũng như nhiều kẻ sĩ yêu dân yêu nước thời kỳ vừa kể trên, ít nhiều đều bộc lộ nỗi đau xót này. Xin trích vài bài để ta cùng cảm thông những gì luôn nung nấu nơi tim ông :

 Thời Cuộc  

Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây

Đâu để giang sơn đến thế này

Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy,

Chòm mây Ngũ quý* lấp trời bay

Hùm nương non rậm đang chờ thuở,

Cáo loạn vườn hoang thác có ngày

Một góc cảm thương dân nước lửa,

Đền Nam trụ cả há lung lay.

 

 (*2 điển tích Tàu, dùng mô tả đất nước bị chia cắt, loạn lạc )

 

Và:

Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?

Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba

Hẳn hoi ít mặt đền ơn nước ,

Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà

Đá sắt ôm lòng cam với trẻ

Nước non có mắt thấy cho già

Nam kì chi thiếu người trung nghĩa,

Báo quốc cần vương dễ một ta !

 Rõ ràng một người sẵn có tấm lòng như vậy khó “đội đầu” hoài một triều đình như vậy. Thế nên năm 1862, khi triều đình ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp, ông bất mãn xin từ quan, ôm ấp chí cao khiết : 

Thú câu

Danh lợi màng bao chốn cửa hầu 

Thanh nhàn quen thú một nghề câu 

Giăng đường chỉ mảnh dòng khơi lộng, 

Thả miếng mồi thơm vực cạn sâu

Khói nước Ngũ hồ tình cả đẹp, 

Gió trăng kho cũ cảnh riêng mầu 

Bá vương hội cả dầu chưa gặp, 

Thao lược này ai biết đặng đâu?

Về lại rạch Bà Đồ quê cũ, ông mở trường dạy học, bốc thuốc , làm thơ, soạn tuồng và giao du với những bè bạn đồng chí hướng của mình như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Tôn, Phan Liêm, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự…

Theo sách Biên Hòa sử lược, dù đã từ quan, nhưng BHN đâu nỡ ngồi nhìn nhân dân lầm than, đất nước bị giày xéo, nên ngoài mặt ông lo việc dạy học, nhưng bên trong ông thầm tham gia nhóm Văn Thân do Thủ khoa Huân lãnh đạo chống thực dân.Khi khởi nghĩa bị phá tan, ông bị giặc bắt giam vào nhà tù Vĩnh Long (1868).Sau nhờ Tôn Thọ Tường can thiệp nên ông mới được tha.

 

Nói gọn lại BHN là một viên quan cương trực, thương dân nghèo, bênh vực nguời hiền lành nên bị bọn quan lại biến chất trù dập. Là một  nhà thơ yêu nước, ông đã dùng ngòi bút của mình mượn đề tài vịnh vật, vịnh sử để phê phán bọn bán nước , bọn xôi thịt và gửi gắm nỗi lòng mình .

Tuy đôi lúc trong thơ văn ông, cũng như nhiều nhân sĩ cùng thời  không sao tránh khỏi nỗi buồn hiu hắt của một nhà nho cảm thấy bất lực trước “cổ xe vận mệnh” của non sông, của dân tộc đang trượt dài:

 

-…Tu mi tự đắc bá phu trưởng

Tái thượng sa đà niên hựu niên

(Vĩnh Thông đồn trấn)

 Dịch nghĩa :

Kẻ mày râu lấy làm đắc chí hơn được nhiều người,

Thế mà phải lần lữa ở cửa ải hết năm này đến năm khác

 

-Biên châu nhất trạo tri hà vãng

Tháp thượng đàm tâm tửu mãn tôn

(Thu cảm )

Dịch nghĩa :

Con thuyền chèo một mái không biết đi đâu

Trên mui thuyền ngồi tâm sự, rượu đầy chén

 

-An đắc sơn hà y cựu nhật ,

Càn khôn túy lúy nhất tao ông

Dịch nghĩa :

Ước gì non sông trở lại như ngày cũ,

Ta sẽ say tràn trời đất, làm một thi ông

(Tức Sự )

 Tự thuật : 

 

I. Râu tóc giục ta già,

Gan ruột khó bày ra

Mong cùng cảnh xuân cả,

Ước Bắc Đẩu chiếu qua…

 

II.Mưa đổ, trời như thủng

Triều dâng nước chảy tràn

Đường đời bùn nước lấm,

Vườn tược cỏ mọc lan

Muỗi như sấm quanh gối,

Ếch tựa trống chiều ran

Tóc sương thương đời lụi,

Rượu một chén sầu tan .

 (Bài thơ dài, nên chỉ chép phầndịch thơ của Nhà thơ Vũ Đình Liên )…

 V.Tạm kết chuyện : 

Tôi muốn chép lại mấy câu cuối cũng do tôi viết ở bài Nhớ Nguyễn Thông để làm đoạn kết cho bài viết về một nhân cách lớn phải nhỡ nhàng trong buổi nhiều mưa gió này.Bất ngờ chú Bảy tạt qua nhà có ghé mắt xem và ngỏ ý góp thơ.Vì vậy tôi chép nguyên văn mấy câu của chú ra đây; vừa để bạn đọc cảm thông tình ý của một người nuôi cá da trơn, vừa để xin kết thúc chuyện:

  Đọc thơ Bùi Hữu Nghĩa, cảm tác 

Người xưa làm thơ

Sẻ chia phận đời cùng cực

Để nói lên…

Mặc vua chúa buộc ràng

 

Thơ hôm nay

Xin đừng giống phim Hàn Quốc,

Giả dối khóc cười, thừa thãi hợp tan…

 

  Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
0 góp ý



0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây !

<< Trở về