» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Nhớ Phan Văn Trị (1830- 1910)

Điểm Ngôi sao Blog: 24 (4 lượt)
| Bình chọn:

 uu

Nhớ Phan Văn Trị (1830- 1910)

I Cuộc đời Phan Văn Trị:

Ông sinh năm Canh dần 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, Trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre).

Khoảng từ 1847-1848, Phan Văn Trị đến làng Hành Thông, Gia Định (nay là Gò Vấp,Tp. HCM) trú ngụ tại nhà người thân để học hành chờ ngày thi cử. Khoa thi Kỷ Dậu 1849, Phan Văn Trị đỗ cử nhân năm ấy vừa tròn 19 tuổi.

Với tài học đó, Cử Trị có thể ra làm quan, nhưng xã hội nước ta lúc bây giờ đang ở thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng, đời sống nhân dân quá tối tăm.

Trước cảnh ngộ đất nước lúc ấy, Phan Văn Trị đã không chịu ra làm quan.Năm 1851-1852, Phan Thanh Giản cùng Nguyễn Tri Phương vào trấn vùng phía Nam, ông Giản có đến thăm người bạn cố tri là Phan Dĩ Thử ở Hanh Thông, Gia Định.

Để rồi chính tại đây đã diễn ra cuộc đối thoại bộc lộ quan điểm đối lập với triều đình của một cử nhân trẻ với kinh lược phó sứ, đến nỗi Phan Thanh Giản phải nói với Phan Văn Trị là: "Nhữ hà trách triều đình chi thậm" (sao ngươi trách triều đình lắm thế")Những năm 1856-1857, Phan Văn Trị đã cùng với Tôn Thọ Tường  sáng lập nhóm Bạch Mai thi xã ở Gia Định.

Đó là nhóm tụ hội thơ Phú của các vị khoa bảng như:  Phan Hiển Đạo, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông ... đó cũng là lúc thực dân Pháp đang lăm le xâm lược nước ta.

( Bạch Mai thi gây được tiếng vang vào khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ XIX. Xu hướng chung của nhóm là ca ngợi thiên nhiên đất nước, đề cao thú vui của kẻ sĩ. Khi quân Pháp đánh chiếm vùng này thì Bạch Mai thi xã cũng tan rã luôn.)

Và rồi sự kiện ngày 11/2/1859 nổ ra, Pháp chiếm cửa biển Cần Giờ và một tuần sau (18/2/1859) chúng chiếm nốt Sài Gòn, mở màn một thời đen tối của dân tộc:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

 Một bàn cơ thế phút sa tay.

(Chạy giặc.Nguyễn Đình Chiểu)

Ngay lập tức, Phan Văn Trị lánh nạn về làng Bình Canh, Tân An (nay thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Tại đây, ông đã mở trường dạy dọc và bốc thuốc. Đây cũng là nơi gần trung tâm cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, đồng thời là nơi hội tụ của các vị khoa bảng đương thời.Cuối tháng 2/1861 coi như Sài Gòn thất thủ hoàn toàn.

Tiếp theo, ngày 14/12/1861 thì Gò Công, Cần Giuộc, Tân An cũng lần lượt rơi vào tay giặc.Trước cảnh đó, Cử Trị cùng các sĩ phu đã khởi xướng phong trào "tị địa", phong trào đó không có nghĩa là chạy trốn giặc, mà thực chất là bất hợp tác mọi mặt với giặc.Phong trào này được sĩ phu Nam Kỳ ủng hộ nên Pháp gặp khó khăn nhiều trong khi đặt ách thống trị của chúng ở đây.

Cử Trị về Vĩnh Long thì ngày 28 tháng 3 năm 1862, sau khi chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, quân Pháp tấn công luôn thành Vĩnh Long…Sau vì triều đình Huế chịu nạp chiến phí cho chúng, nên Pháp rút khỏi nơi này. Nhưng 5 năm sau, vào ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp tấn công Vĩnh Long lần thứ 2 và chiếm hẳn miền đất này. 

Quá quặn đau nạn nước, Cử Trị đã gửi gắm trong nhiều vần thơ, xin trich một bài: 

Thất thủ Vĩnh Long

(Mất Vĩnh Long)

Tò te kèn thổi tiếng năm ba,

Nghe lọt vào tai, dạ xót xa.

Uốn khúc sông rồng mù mịt khói,

Vắng hoe thành phụng ủ sầu hoa


Tan nhà cám nỗi câu ly hận,

 Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa

 Gió bụi đời cơn xiêu ngã cỏ,

Ngậm cười hết nói nỗi quan ta.

Bài An Giang phong cảnh

cũng mang một màu sắc buồn thảm như thế:

(Châu Đốc bị mất ngày 22/6/1867).

 Lênh đênh bèo nước biết là đâu

Đậu bến An Giang thấy những rầu

Bảy núi mây liền chim nhíp cánh,

Ba dòng nước chảy cá vinh râu

Có rau nội quanh dân xanh mặt

Không trái bần khô khỉ bạc đầu

Xem hết cảnh tình rồi nghĩ ngợi,

Thú vui chỉ có một thuyền câu.

Giữa năm 1867 mảnh đất cuối cùng ở phía Nam tổ quốc đã lọt vào tay giặc Pháp. Năm 1868 Phan Văn Trị phải dời Vĩnh Long về làng Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ  trú ngụ và sống bằng nghề dạy học. Để bảo vệ Cần Thơ, Pháp phải đối phó với cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm nổ ra tại Láng Hầm (cạnh Phong Điền).

Hoảng sợ trước tinh thần đấu tranh của nghĩa quân, thực dân đã thẳng tay đàn áp cuộc khởi nghĩa này. Tưởng nhớ tới các liệt sĩ hy sinh trong trận Láng Hầm, Phan VănTrị đã làm hai câu thơ xúc động:


"Võ kiếm xung thiên, Ba láng giang đầu lưu hận huyết. Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đãi sầu nhan"

Tạm dịch:
"Kiếm võ ngút trời, Ba láng sông sâu tràn hận huyết.
Sao văn sa đất, Trà Ning thôn xóm thảy sầu mang".

Trong quá trình thực dân Pháp ổn định ách thống trị ở Nam kỳ thì cũng là lúc bọn tay sai lộ mặt. Và có thể nói Tôn Thọ Tường là nhân vật điển hình.Và phải nói về lập trường tư tưởng của Phan Văn Trị, không có chứng cứ nào bằng trận bút chiến giữa ông và Tôn Thọ Tường.

Nhắc lại câu chuyện :Để tự bào chữa cho thân phận tay sai, theo Pháp là chuyện bất đắc dĩ mà thôi; Tường làm một lúc nhiều thơ trong số đó có 10 bài Tự Thuật, vừa nhầm mục đích trên vừa để tán dương sức mạnh vật chất của thực dân.  

Tham gia trận bút chiến với Tường, ngoài Phan Văn Trị là chủ súy, có mấy người nữa như Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu, Hồ Huấn Nghiệp .Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Phan Văn Trị và bài được công chúng lưu truyền nhất cũng là của ông hoạ lại bài Tôn Phu nhân quy Thục của Tường. 

Tôn Thọ Tường viết: 

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ lòng

Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông

Lìa Ngô bịn rịn chòm râu bạc

Về Hán trau tria mảnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi

Đá vàng chi để thẹn non sông

Ai về nhắn với Chu Công Cẩn

Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

 Phan Văn Trị đã “họa” lại:

 Cài trâm sửa trấp, vẹn câu tòng

Mặt giả trời chiều biệt cõi đông

Ngút tỏa vần Ngô, in sắc trắng

Duyên về đất Thục, đượm màu hồng

Hai vai tơ tóc bên trời đất

Một gánh cang thường nặng núi sông

Anh hởi Tôn Quyền, anh có biết

Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng ! 

Trong nhiều sách văn học viết vào thời kỳ này đều có phân tích & trích dẫn đầy đủ thơ xướng họa, nên ở đây người soạn xin được kể vắn tắt: 

Đây thật là một cuộc giao tranh lý thú về mặt văn chương.Công bằng mà nói thì tài sức ngang nhau. Nhưng thơ Phan Văn Trị hơn hẳn về mặt nội dung vì nó được viết ra từ ngòi bút chính nghĩa của một người luôn đứng về phía nhân dân bị áp bức, bị nô lệ. 

Cho nên Tường càng ngụy biện bao nhiêu thì càng bộc lộ thân phận bán nước cầu vinh của mình bấy nhiêu, xin trích dẫn một vài đoạn :

 Chẳng hạn, Tôn Thọ Tường dọa: 

“Xăng văn thầm tính thương đòi chỗ

Khấp khởi riêng lo sợ những ngày”

(Bài I) 

Phan Văn Trị đập lại:

“Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở

Bủa lưới săn nai cũng có ngày”

 Tường lên mặt dạy đời:

“Thày lay lại muốn chuốc danh nhơ

Ai mượn mình lo việc bá vơ

Trẻ dại giếng sâu lòng chẳng nỡ

Đàng xa ngày tối buổi không chờ”

(Bài II) 

Phan Văn Trị bác bỏ:

“Lung lay lòng sắt đã mang nhơ

Chẳng xét phận mình khéo nói vơ

Người trí mảng lo danh chẳng chói

Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ” 

 Nói gọn Phan Văn Trị, bằng vũ khí là ngòi bút, ông đã giáng cho tên Việt gian  này những cái tát khá đau, đã chỉ thẳng vào mặt Tường là "đứa ngu”, “kẻ đáy giếng trông trơ mắt ếch”, “loại tanh nhơ”... với lập luận sắc sảo, sáng ngời chính nghĩa, hiên ngang và đĩnh đạc.  Và cũng từ đây, cuộc đấu tranh tư tưởng có quy mô lớn, đầu tiên trong lịch sử văn học của dân tộc được mở đầu.

Đối với giặc và tay sai, cử Trị thẳng tay chống đối; còn đối với dân, cụ luôn sống đầy tình nghĩa, luôn là tấm gương giản dị, thanh cao.Đức độ và tài năng của cử Trị đã làm cho nhiều người cảm phục.

 Cai tổng Định Bảo là Lê Quang Chiểu rất phục nhân cách ông, nên đã giới thiệu người em gái con cô con cậu là Đinh Thị Thanh kết duyên cùng Cử Trị. Sau này, cai tổng Chiểu cũng bỏ luôn quyền chứcđể đứng về phía sĩ phu yêu nước và nhân dân.( ông cũng có làm thơ đả kích Tôn Thọ Tường.)

Năm 1910, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã tạ thế tại Nhơn Ái, Phong Điền trong ngôi nhà lá đơn sơ như tấm lòng thanh bạch của cụ.

Hiện nay phần mộ của Phan Văn Trị cách UBND xã Nhơn Ái 1 km, cách bờ rạch Cái Tắc khoảng 59 mét, trong khu vườn nhà ông Lê Trí Dũng, thuộc ấp Nhơn Lộc I, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, Tp Cần Thơ.

Tóm lại, vùng đất sinh ra Cử Trị, đặc biệt là từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đã đón nhận cuộc di dân của những người nghèo khó từ miền Bắc và miền Trung vào định cư ở vùng cù lao hoang vu đầy lau sậy, để khai phá thành ruộng đồng phì nhiêu và vườn cây tươi tốt như ngày nay. 

Trong quá trình lưu tán, họ phải chịu đựng, đấu tranh rồi dần thích nghi với mọi khó khăn gian khổ bằng sức sáng tạo và tinh thần gắn bó, thủy chung. Những phẩm chất tốt đẹp đó đã hun đúc nên phẩm cách Phan Văn Trị.

Nhờ vậy, sáng tác thơ của ông hầu hết mang tính chất bình dân, chứa đựng nội dung yêu nước, thương dân, căm ghét kẻ gian tà v.v...

Phan Văn Trị là một trong những nhà thơ được nhân dân Nam Bộ yêu mến.

 l

 Bùi Thụy Đào Nguyên, biên khảo

http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Văn_Trị 

http://www.vinhlong.gov.vn/

Default.aspx?tabid=338&categoryId=24&itemId=37

( không đề tên người viết)

2 góp ý



2 Góp ý:

Huongmuathu góp ý:
11:04 PM | Thứ Tư, ngày 24 tháng 10, 2007

mecuatoihạnh phúc thay khi khu gò vấp có con dường phan văn trị,rộng rãi thênh thang,người anh hùng lấy ngòi bút làm vũ khí,thấy nước nhà phồn thịnh,chắc cũng an lòng

Rieu góp ý:
03:04 PM | Thứ Tư, ngày 24 tháng 10, 2007

rieu06'Tạo hóa một bầu xoay khí vận

Đông qua xuân lại trở màu tươi'

Gởi góp ý mới

<< Trở về