» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Nhà thơ yêu nước Nhiêu Tâm (1840-1911)

Điểm Ngôi sao Blog: 6 (1 lượt)
| Bình chọn:

Giới thiệu:


Nhà thơ yêu nước Nhiêu Tâm (1840-1911)

I.Thân thế:



Nhà thơ Nhiêu Tâm tên thật là Đỗ Như Tâm, hiệu Như Tâm, Minh Tâm, biệt hiệu là Minh Giám.
Nhờ học giỏi, có chân trong "Nhiêu học" (người được hưởng học bổng trong nhà nước phong kiến), nên người ta thường gọi ông là Nhiêu Tâm.


Tuy nhiên, ông cũng là một người lận đận trong chốn khoa trường.
Về nguyên quán thì có hai giả thuyết, có người bảo ông là dân Nam Bộ cố cựu, lúc nhỏ từ nơi khác lưu lạc tới Vĩnh Long; có nhóm lại cho rằng ông là người miền Trung.

Theo nhà nghiên cứu văn học miền Nam Nhất Tâm, thì Nhiêu Tâm là chú ruột của nhà thơ Bồng Dinh tức Đỗ Thanh Phong người có tiếng một thời.

Người dân làng Sơn Đông (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) còn nhớ rõ nhà thơ Nhiêu Tâm có vóc dáng hơi gầy và cao, đôi mắt bị lòa nên đi đâu cũng phải chống gậy.

Trong một bài thơ “Tự Thán”, nhà thơ Nhiêu Tâm có nói đến chính mình như sau:


Thất thập niên huê hữu ngũ linh
Thần hôn nhi điệt viên môn đình
Phong sương đa bịnh châu nhạn dạm
Tuế nguyệt tằng thôi bạch phát sinh
Giáo dục vấn minh chung sắc diện
Gian nguy thì thị biện tài danh

Cầu nhơn tự cổ nhơn nan đắc
Tao vật hề tu hựu lão thành.

Qua bài thơ trên ta có thể hiểu thêm một phần về Nhiêu Tâm (dịch nghĩa):

Trên bảy mươi tuổi đầu, gần cuối đời mà còn mãi xa nhà, cuộc đời phong sương làm cho ông mang nhiều bệnh, năm tháng chồng chất khiến cho đầu bạc, dạy trẻ muôn đời thêm sáng tỏ. . . gặp thời gian nguy mới tỏ rõ được tài danh.

Khi đến làng Sơn đông, Nhiêu Tâm dạy Hán học và làm nghề bốc thuốc cho dân làng.Ông ăn ở tại nhà học trò là ông Trần Văn Kỷ. Tá túc được mấy năm thì ông Kỷ qua đời; để tránh tiếng, cụ dời sang nhà một học trò khác là ông Trần Minh Chuẩn và ở đấy cho đến hết đời.

Khi Nhiêu Tâm mất, không thấy ai là vợ con hay quyến thuộc đến để tang; chỉ có học trò chịu tang và bạn thơ văn đến chôn cất cụ tại cánh đồng làng Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; trong một vườn tre của cụ tú Trần Minh Chuẩn.

Vậy là đến khi trút hơi thở cuối cùng, Nhiêu Tâm vẫn giữ được tiết tháo của một nhà nho thanh bạch, một văn nhân thanh tao.

(Ngày 20 tháng 12 năm 2000, UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công nhận ngôi mộ nhà thơ Nhiêu Tâm là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đến năm 2002, nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu ngôi mộ và làm đường dẫn đến ngôi mộ để khách thập phương đến viếng thuận tiện hơn và cũng để tỏ lòng tôn kính đối với một nhà thơ. Tên ông cũng được chọn đặt cho một con đường tại P. 5, Q. 5, Tp. HCM)

II.Văn nghiệp:

Nhiêu Tâm nổi tiếng trong làng thơ trào phúng đầu thế kỷ XX. Tìm đọc lại toàn bộ văn nghiệp của Nhiêu Tâm, chúng ta thấy ông là nhà thơ có bản lĩnh trong việc khai thác thi tứ, xây dựng chất giọng.

Thơ ông phần nhiều là thất ngôn bát cú, miêu tả cảnh, tình của những con người bình thường, gần gũi hàng ngày với giọng thơ khi thì hóm hỉnh, giễu cợt rất tự nhiên, khi thì giàu lòng trắc ẩn, nặng nghĩa, nặng tình, có lúc châm chọc, ngạo đời, có khi lại rất ý vị, trữ tình.

Điều này tạo nên màu sắc phong phú, đa dạng trong thơ ông. Đó cũng là sự phong phú, đa dạng của một hồn thơ luôn ray rứt trước những vấn đề thế sự, những vấn đề đất nước thời ông sống.

Theo chúng tôi nói gọn lại, đó là cái nền chung của hai khuynh hướng trong thơ Nhiêu Tâm: trữ tình và trào phúng.

Khuynh hướng trữ tình:
Những bài thơ trữ tình thời sự khi thì thể hiện nổi lo âu cho chính mình, thế hệ mình trước cơn phong ba bão táp của lịch sử ( bài Thuyền qua sông). Khi thì khẳng định niềm tin dù rằng với nổi đau xót trước cảnh nước mất nhà tan
Cảm tác:

. . . Xưa còn gió ngõ lai cờ đế
Nay hết nhân rường bủa lưới vương

Sáu tỉnh xô bồ cơn gió bụi
Vĩnh Long phong tục giữ như thường

Những bài thơ thuộc thể loại này, mang nặng nổi đau không chỉ của kẻ chia sớt, cảm thông mà còn của người trong cuộc như các bài “Vợ tiễn chồng”, “Khóc bạn”, “Cựu nghĩa trùng phùng”. . .

Khuynh hướng trào phúng trong thơ Nhiêu Tâm mang đặc điểm riêng so với những nhà thơ cùng thời.

Kế thừa chất giọng thơ trào phúng của các thế hệ đi trước như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị và người cùng thời là Học Lạc, cộng với kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ.
Nhiêu Tâm sử dụng các vần “nôm na” vừa trào lộng lại vừa thương cảm, khai thác thi tứ, cảm hứng của ca dao khi viết về các câu chuyện, đề tài của giới bình dân.
Trong thơ trào phúng của ông “Nói con chị cưới con em”, “Vợ chệt khóc chồng chết đuối”…là những bài thơ trào phúng tiêu biểu của mảng đề tài này.

Nhiêu Tâm còn thể hiện tài năng của mình qua bài “Hóm hỉnh Vịnh Kiều”, với thế “Vĩ Tam thanh” độc đáo và lối phóng bút, gieo vần đặc sắc:

Sắc tài có một đỉnh đình đinh
Khắp cả dân gian tiếng nổi phình
Duyên chị mà em theo lẻo đẻo
Nợ chàng rồi thiếp sạch sành sanh
Ra đi đầu đội muôn phần hiếu
Trở lại vai mang một chữ tình
Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch
Khúc đờn nhàn gảy tịch tình tinh


Chẳng những vậy mà những áng thơ về các thể loại vịnh nhân vật sử, vịnh danh lam thắng cảnh cũng đều điêu luyện xuất sắc.

Trước đây, nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn đã tập hợp một số bài thơ tiêu biểu của Nhiêu Tâm in chung với Học Lạc.

Tập thơ này gây nhiều hứng thú và cảm mộ cho độc giả Nam Bộ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu văn học còn sưu tầm được một bài phú 204 câu có tựa đề là “Bần Phú Luận” và một số câu đối khá đặc sắc của Nhiêu Tâm…


III.Hai giai thoại về nhà thơ Nhiêu Tâm:



1/Chuyện “Đầu đề đặc biệt”

Một ông bá hộ mời thầy về dạy trẻ trong nhà. Thầy giáo này thường có thái độ “rất ta đây”, nên Nhiêu Tâm tìm đến chơi, chủ tâm cho thầy một bài học để bớt thói hợm mình.

Vì không biết ông là ai nên mặt thầy cứ vênh vang, Nhiêu Tâm lễ phép xin thầy bày vẽ cho cách làm thơ. Thầy phán:

- Làm thơ có dễ đâu. Các người học kém, làm thế nào được.
- Dạ, tôi cũng đang tập, muốn xin thầy ra cho một đầu đề để vọc vạch vài câu, rồi thầy sửa chữa cho.
- Ồ, đề ra cho hợp sức các ông thì ngại tìm lắm. Rồi các ông viết lách kém, lại làm người ta mất thì giờ.
Nhiêu Tâm vẫn cứ khiêm tốn van nài. Thầy đồ đâm cáu:
- Lôi thôi quá! Kèo nèo mãi. Thơ cái cục cứt! Đầu đề đó, làm đi.
Nhiêu Tâm lễ phép:


- Dạ, thế thầy ra cho đầu đề cục cứt. Vâng, tôi xin làm thử:

Bao tử là cha mẹ ruột dồi


Thầy đồ ra bộ khuyến khích:
- Nghe cũng được, cố nghĩ câu hai đi.
Nhiêu Tâm đọc tiếp, vừa đọc vừa nhìn thẳng vào thầy đồ:

Đẻ không nên chỗ để mày trôi
Chặt chân chẳng nỡ thây nhằm đạp
Bịt mũi mà qua đã gớm rồi
Chẳng chó bắt mèo ngồi ngứa mắt
Có tong cũng chốt rước trầm môi


Mặt thầy đồ tái hẳn đi. Nhiêu Tâm quay lại chỗ ông bá hộ chủ nhà, chỉ tay đọc tiếp:

Lẫn thay cho lão ngồi câu quẹt
Chấp chứa làm chi những giống hôi


Không cần kể tiếp đoạn sau, ta cũng biết thầy đồ dở khóc dở cười như thế nào…

2/ Chuyện “ bá hộ Non”:

Bá hộ Non là tên nhà giàu nhờ bốc lột. Một hôm gặp nhau, y hỏi Nhiêu tâm về hoàn cảnh sống. Ông Nhiêu tâm ứng khẩu trả lời:

Thấy anh tôi nghĩ lại tôi buồn,
Tôi khó, anh giàu đã hóa muôn
Anh vậy, tôi vầy, trời khiến vậy
Chúc cho con cháu được luôn luôn.


Ít lâu sau, chắc có ai giải thích nên tên này giận lắm.

(Người dân miền Nam thường đọc “quá” ra “hóa”, “muôn” thành “muông; tức là ông Nhiêu Tâm chúc tên Bá Hộ và con cháu y “hóa thành muôn thú” hết ráo!)

IV.Lời kết bài:

Cũng như những nhà thơ ưu thời mẫn thế khác cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ, Nhiêu Tâm là một nhà thơ có tài, sống nghèo túng và trong sạch.
Ngoài tài thơ châm biếm, chế giễu, hài hước, Nhiêu Tâm còn là người rất quý trọng tình cảm, biết yêu thương con người. Tấm lòng Nhiêu Tâm khẳng khái, thanh cao, thuần phát nên thơ ông cũng vậy…



Lời nói thêm với bạn đọc:

Google không có mấy trang web viết về nhà thơ Nhiêu Tâm, cho nên tôi rất mong các bạn đọc, nhất là các bạn ở làng Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; nếu có điều kiện xin góp thêm ảnh, thơ văn và cả những câu chuyện kể có liên quan đến ông

Xin cảm tạ trước…

-Phần tiểu sử Nhiêu Tâm dựa vào nguồn:

http://www.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?tabid=338&categoryId=24&itemId=35


0 góp ý



0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

Gởi góp ý mới

<< Trở về