» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Nhớ danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1851-1922) phần II

Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt)
| Bình chọn:

Thêm nữa, qua những lời kể, lời bình phẩm dành cho các danh tướng của nhà Tây Sơn; ta dễ dàng hiểu ông muốn đề cao nhiều phẩm chất vượt trội của những vị này so với đám quan tướng nhu nhược, thoái hóa, biến chất thời bấy giờ:

-Ông chép lời của đô đốc Nguyễn Văn Tuyết(? - ?, ông đã cùng vợ con tuẫn tiết sau khi thất thủ Bắc Thành):

“Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta…”

-Đánh giá về đại tư mã Ngô Văn Sở (? - 1975), đô đốc Phan Văn L
ân (? - ?) và đô đốc Đặng Xuân Bảo (? -1802, ông bị bắt rồi nhịn ăn để chết sau trận Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy Thanh Hóa ). Nguyễn Trọng Trì viết:

- “ Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi tiếng tăm, lúc nào cũng muốn tránh quyền thế và yêu kính người quân tử.Ông cùng với Trần quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, người đương thời gọi là Tứ kiệt…”


- “Phan Văn Lân trí dũng hơn người, đánh giặc rất giỏi, hễ được ban thưởng là đem hết ra để khao quân và không mấy khi nhắc đến chuyện nhà. Ông vào ra giản dị chẳng khác chi người hầu. Quân Thanh kinh sợ Văn Lân nên gọi ông là “Phi tướng quân”, nghĩa là tướng từ trên trời bay xuống”.

-Đặng Xuân Bảo ít đọc sách nhưng rất trung liệt và giàu mưu lược hơn người. Ông thường dùng đức để trị nên ai cũng vui theo….


-Làm thơ ca ngợi đô đốc Võ Văn Dũng:


Võ công dũng quán quân
Bách chiến khởi Tây thùy
(Võ công anh dũng vào hàng bậc nhất
Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phía tây).

Và bên trên tất cả, ông đã dành nhiều tình cảm để chia sẻ, để xót xa cho đôi phận bạc của vợ chồng thiếu phó Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân:

Vô đoan hữu lục anh hùng phổ,
Túy mặc lâm li bất tự cầm…

(Nào phải vô cớ mà chép chuyện anh hùng,
Bởi quá thương cảm, mực say không thể ngăn lại được…)

III.Vài lời trước khi kết thúc bài:

Kinh qúa Tây Sơn di chỉ cảm hoài

Loạn thế anh hùng sản xuất đa
Bắc Nam dược mã dự huy qua
Thập niên huyết chiến thành hà sự,
Không thính ngư tiều túy tửu ca.

Tạm dịch:
Cảm xúc khi qua dấu tích Tây Sơn

Đất loạn anh hùng xuất hiện đông,
Bắc Nam giục ngựa, giáo gươm vung
Mười năm máu đổ đâu thành bại,
Nghe tiếng ca say khắp núi rừng.

Ban đầu, tôi chỉ muốn chép vần thơ cảm hoài trên, rồi trích dẫn thêm vài câu day dứt, phiền muộn cũng của một con người nhiều tài năng mà “Sinh bất phùng thời” để kết thúc là vừa:


Làm quan nay được đuổi về, năm năm rảnh rang.
Muốn thoát khỏi cuộc đời.
Theo ông đi dạo chơi khắp năm ngọn núi tiên…
(Vịnh Võ Đô Đốc- Nguyễn Trọng Trì)


Nhưng trong khi tra tìm thêm tư liệu cho bài viết trên net, tôi bắt gặp nhiều nguồn cho biết ở rất nhiều nơi, di tích đang bị xâm hại, bị xẻ thịt… nghiêm trọng


Và tôi thật sự đau lòng khi biết được dăm ba di tích ít ỏi, còn sót lại thuộc vương triều Tây Sơn cũng nằm trong số phận ấy; nhưng vì khuôn khổ và cũng để tránh đi xa đề, nên tôi chỉ nêu lên một ví dụ điển hình cho sự vô tâm, sự tham lam của một số người:


Như ta đã biết, vào ngày 25-11 (âm lịch) năm Mậu Thân (1789), tại núi Bân (tức Bân sơn, thuộc xã Thủy An, chỉ cách trung tâm thành phố Huế 3 km), Nguyễn Huệ cho lập Ðàn Nam Giao làm lễ tế trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.
Rồi ngài nhanh chóng cho tập hợp tướng sĩ, xuất quân thần tốc đánh đuổi 20 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng Thăng Long.


Nhưng thật khác với tấm lòng của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì thuở trước; ở tại đây, người của hôm nay nhớ những người anh hùng chỉ bằng một tấm bia nhỏ đứng chơ vơ.
Buồn hơn nữa là vô số kẻ đã đổ xô đến đó, không phải để tìm hiểu “nếu vua Quang Trung không đánh đuổi được quân Thanh, thì chắc chắn bản đồ Việt Nam sẽ khác hẳn”; mà là để giành đất xây mồ mả, nên giờ đây núi Bân phải mang vác thêm một cái tên nghe rất đau, rất thô kệch: “cồn mồ”.


Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn
Đầu tháng 12/2007.

Tài liệu tham khảo:


-Phần tiểu sử, tôi dựa theo tài liệu của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch trong bài viết “Cụ Cử Nguyễn Trọng Trì…”
-Danh tướng Việt Nam, tập 3, nxb Giáo Dục, năm 2005 của ô.Nguyễn Khắc Thuần.

d

Ảnh: "cồn mồ" 

0 góp ý



0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

Gởi góp ý mới

<< Trở về