» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

Nhớ danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1851-1922) phần I

Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt)
| Bình chọn:

Nhớ danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1851-1922)

“Báo quốc nhất thân đô thị đảm,
Giao tình thiên tải chỉ luận tâm”

(Báo đáp Tổ quốc, một tấm thân luôn dũng cảm
Giao tình với ngàn năm, chỉ luận về chữ tâm mà thôi…)
.Danh sĩ Nguyễn Bá Huân.


I.Thân thế:


Thuở bé, ông tên Nguyễn Văn Lâm, sau đổi là Nguyễn Văn Trì, tự Trọng Trì. Sinh ngày mười ba tháng hai năm Tân Hợi (1851- sách Nhân vật lịch sử của Nguyễn Quyết Thắng & Nguyễn Bá Thế ghi 1854) tại làng Vân sơn, xã Nhơn hậu, huyện An nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.
Là con của ông tú tài Nguyễn Văn Khuê (tự Ðạt), em kề xử sĩ Nguyễn Văn Chỉnh (tức Nguyễn Bá Huân).


Trúng cử nhân thứ 8/12 tại trường thi Bình Ðịnh khoa Bính Tí, Tự Ðức thứ 29 (1876), ông được bổ chức Tư vụ tại triều dưới thời vua Kiến Phúc.


Sau khi Kiến Phúc băng, ông thấy triều chính ngày càng đổ nát mà giặc Pháp không ngừng dùng binh lực ép triều đình ta thừa nhận hàng ước Quí Mùi (1883), ông bỏ chức rồi trốn về làng liên lạc với các bậc sĩ phu yêu nước mưu đồ việc cứu nước.


Kịp đến khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885) hạ chiếu Cần vương, ông gia nhập nhóm nghĩa sĩ do quan Hường Ðào Doãn Ðịch cầm đầu ứng nghĩa.


Sau trận đánh với quân Pháp tại Trường Úc (Tuy Phước), quan Hường Ðào bị thương, bèn giao binh quyền cho cử nhân Mai Xuân Thưởng.


Từ đó ông theo giúp nguyên soái họ Mai. Ðến khi lực lượng Cần vương của Xuân Thưởng bị liên quân Pháp - Trần Bá Lộc - Nguyễn Thân đánh tan rã, chủ tướng họ Mai phải ra nộp mình cho giặc (tháng tư năm Ðinh Hợi - 1887) để cứu mẹ và dân làng Phú Phong - Phú Lạc, rồi chịu lên đoạn đầu đài vào ngày rằm tháng tư nhuận Ðinh Hợi; thì ông cũng bị giặc bắt, bị tước mất học vị cử nhân rồi đuổi về làng giao cho địa phương quản lý.


Ðến năm Mậu Thân (1908) Phong trào cự sưu kháng thuế nổi lên, dù ông không trực tiếp chỉ đạo như bạn ông là tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, ông vẫn bị bắt với tội danh Cần vương cựu đảng.
Ông mất ngày mười sáu tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1922) thọ 72 tuổi ta, mộ táng tại thôn Tân Ðức, nay thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn.


Cũng bởi ông bị tước mất học vị cử nhân, nên trên mộ chí chỉ thấy ghi hai chữ tú tài.


II.Văn nghiệp:


Ông là một danh sĩ đương thời.Cùng với anh là Nguyễn Bá Huân, ông đã soạn quyển Tây Sơn lương tướng ngọai truyện và một số thơ văn yêu nước nhằm cổ xúy cho đường lối duy tân, tự cường của dân tộc.


Ở đây, người soạn đồng ý với ông Nguyễn Khắc Thuần là:


Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu nhiều thiệt thòi như các danh tướng nhà Tây Sơn. Họ có một đời xông pha với hàng loạt những võ công kiệt xuất…để cứu dân, cứu nước.


Nhưng ngay sau đó, rất nhiều người trong số ấy, thân thể họ bị triều đại mới hành hình một cách dã man, sách vở biên chép về họ bị đốt sạch, sự nghiệp của họ bị quá nhiều những sử quan thù nghịch tìm mọi cách xuyên tạc và dòng tộc họ bị giết chết hoặc phải phiêu dạt; nên giờ đây ta thấy, năm sanh của họ thường là dấu hỏi và cuộc đời họ thường có những dấu hỏi để nói lên sự mơ hồ…(Tại bãi chém An Hoà, ngoại ô Huế, khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đã hiên ngang ra pháp trường )


Bởi vậy, tôi rất biết ơn ngòi bút của Nguyễn Trọng Trì, vì nhờ ông mà ta biết được khá chi tiết về cuộc đời, về sự nghiệp của 15 danh tướng nhà Tây Sơn. Và tôi cũng thật sự khâm phục vì ở vào triều đại có tiếng là “nhiều nghị kỵ, ít bao dung” mà ông dám viết lời ngợi khen các “đô đốc của ngụy triều”.


Thiển nghĩ, nếu ông không nặng lòng với những phận đời oanh liệt, bất hạnh thuở xưa kia, và ông không có đủ cái “dũng” của một sử quan ( dù ông không phải là một sử quan, nhưng qua tác phẩm vừa nêu, ta thấy ông đã hơn hẳn nhiều kẻ chỉ biết khom lưng và uốn cong ngòi bút của mình); thì giờ đây ta không thể nào bắt gặp những lời nhận xét rất có lý tình, những lời cảm vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi niềm sâu kín:

Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu.
(
Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu?
Khiến cỏ hoa đồng nội đất đầy sầu
).

Trích hai đoạn trong bài thơ dài Bùi phu nhân ca, để ta vừa thưởng thức tài nghệ của ông, vừa cảm nhận được những gì ông thầm gửi gắm ( vừa đề cao bậc nữ lưu anh hùng, vừa trách cứ tinh thần quá đổi hèn yếu, chủ bại của vua quan nhà Nguyễn, khiến đất đai của tổ tông mất dần vào tay giặc Pháp):

Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào
Hoàng hôn thành dốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
Thùy ngôn cân quắc bất như nhân?
Dĩ cổ phương kim tam đinh túc

Nghĩa là:


K
hí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra.
Gió xuân thổi máu bay đẫm tấm chinh bào
Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà
Ai bảo khăn yếm không bằng người ?
Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân vạc.


Và:

Cổ kim bất phạp chân anh hùng
Năng ngự ngoại hồi vi thượng công
Tráng tai Thị Xuân kì nữ tử,
Thống suất tì hưu biến tây-đông.

Tổ tông cương thổ bất dung vong,
Nam nhi tử tất tại sa trường
Nam nhi bất hướng sa trường tử,
Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân

Dịch nghĩa:
Xưa nay chẳng thiếu các bậc thật sự anh hùng
Có thể ngăn giặc ngoài làm nên công lao
Mạnh thay Bùi Thị Xuân, người con gái lạ lùng
Cầm quân vùng vẫy khắp tây-đông.

Đất đai tổ tông không thể để mất
Nam nhi hẳn nhiên phải chết ở chốn sa trường
Nếu nam nhi mà không dám hướng về sa trường để chết,
Hãy hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân.



0 góp ý



0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

Gởi góp ý mới

<< Trở về