» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình

văn học (sưu tầm)

Điểm Ngôi sao Blog: 0 (0 lượt)
| Bình chọn:
Posted in: chuonggionho | 07:25 PM

Bút Việt
NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC VĂN TÂM
Không cô đơn giữa "vườn khuya một mình"
07:26' 09/07/2004 (GMT+7)
 

Văn Tâm là nhà nghiên cứu phê bình văn học có số phận long đong. Mới bước vào làng văn ông đã bị “tai nạn”. Nhưng vượt  lên tất cả, nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Tâm đã để lại cho đời hàng ngàn trang sách hữu ích. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực, Tản Đà, khối mâu thuẫn lớn, Góp lời thiên cổ sự, Nhớ Phùng Quán...

Tôi có chút kỷ niệm với Văn Tâm. Khi còn là sinh viên, khi biết tôi làm luận văn tốt nghiệp về Vũ Trọng Phụng, ba tôi tặng tôi cuốn Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực (NXB Kim Đức, 1957). Không biết ba tôi có được cuốn sách từ đâu, nhưng sách đã ố vàng, nhuốm màu thời gian in trên giấy xấu. Tôi đọc hết cuốn sách này ngay trong đêm và cảm thấy công việc làm luận văn của mình trở nên khó khăn vô cùng, bởi những gì mình muốn viết về Vũ Trọng Phụng, Văn Tâm đã viết quá sâu! Và rồi tôi cũng làm xong luận văn tốt nghiệp với sự trợ giúp đắc lực của cuốn sách trên.

Thực tình, lúc ấy tôi cũng chưa có ý thức tìm hiểu xem tác giả lạ lẫm Văn Tâm là ai. Bẵng đi một thời gian, khoảng cuối thập kỷ 80 đầu 90, trên văn đàn xuất hiện nhiều bài viết ký tên Văn Tâm về thơ mới, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Nhật ký trong tù... Năm 1992 đọc được tiểu luận văn học Góp lời thiên cổ sự của ông và tôi bắt đầu tìm hiểu về Văn Tâm. Năm 2001 tôi lại có trong tay một cuốn tiểu luận phê bình văn học khác của Văn Tâm, cuốn Vườn khuya một mình (NXB Văn hóa Thông tin). Với cuốn sách này tôi biết về số phận, về thân thế sự nghiệp của ông. Đặc biệt, ông hoàn thành tập tiểu luận ấy trong tình trạng liệt nửa người do bị tai biến mạch máu não, đi lại, nói năng rất khó khăn. Từ đó, thầy giáo Văn Tâm dưới mắt tôi là một nhà phê bình đáng được đọc.

  • Văn Tâm: "Nhà Phụng học"

Bây giờ các nhà phê bình văn học đánh giá cao Vũ Trọng Phụng là điều dễ hiểu và tất nhiên, bởi chỉ với Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã được xem là nhà văn lớn. Tiến sĩ Peter Zinoman (ĐH California - Hoa Kỳ), người được xem là "nhà Phụng học", đã từng dịch Số đỏ ra tiếng Anh (với tên gọi là Dumb luck) đánh giá: "Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn, rất lớn, không kém nhà văn lớn nào của các nền văn học khác" (Văn hóa Thể thao số 85, 22-10-2002). Đánh giá đó Văn Tâm đã làm từ năm 1957 khi mới 24 tuổi và trong hoàn cảnh lịch sử nhạy cảm về chính trị.

Văn Tâm, tên thật là Nguyễn Văn Tâm, sinh năm 1933 tại TP Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khóa đầu tiên sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cùng khóa với Ninh Viết Giao, Hà Thúc Chỉ, Cao Xuân Hạo.... Sau khi tốt nghiệp, ông được GS Đặng Thai Mai giữ lại trường làm trợ giảng ở khoa Văn ĐH Sư phạm. Đam mê sách và văn chương từ nhỏ. Năm 1952, 1953 ông đã xuất bản 2 vở kịch Ánh sáng và bóng tối, Giải tán. Khi còn học phổ thông trong kháng chiến ông đã mê Vũ Trọng Phụng như điếu đổ và bắt đầu tập hợp tư liệu tìm hiểu về tác giả Số đỏ để mong sau này "học hành khôn lớn thêm, khi đủ điều kiện tôi sẽ phát biểu đôi điều về Vũ Trọng Phụng..." (Một thuở ban đầu – Vườn khuya một mình NXB Văn hóa Thông tin 2001). Và với thái độ trân trọng, say mê Vũ Trọng Phụng khôn tả, năm 1957 cuốn Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực ra đời theo phương thức tự xuất bản. Chàng thanh niên mơ mộng khi ấy mới 24 tuổi, phải xin tiền cha mẹ, bán xe đạp, mượn giáo sư Đào Duy Anh 100 đồng, mượn bà Phạm Thị Khách (mẹ của Vũ Trọng Phụng) 100 đồng... để mua từng gram giấy in tác phẩm tâm đắc của mình.

Tác phẩm ra đời như một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về Vũ Trọng Phụng, với cái nhìn mới mẻ, thậm chí cấp tiến, đưa Vũ Trọng Phụng "trở lại văn đàn", hiểu đúng giá trị thực của một nhà văn lớn, có đóng góp tích cực trong dòng văn học 1930-1945. Nhưng oái oăm thay, trong không khí chính trị lúc ấy, nhiều cái nhìn nghi ngờ về Vũ Trọng Phụng, nên mới có đánh giá thiên lệch về tác phẩm của Văn Tâm: "Do chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan điểm sai lầm và lối nghiên cứu chủ quan, cơ hội của Trương Tửu, thiếu một phương pháp khách quan khoa học, Văn Tâm đã đơn giản hóa một hiện tượng văn học phức tạp, đi đến những kết luận đề cao Vũ Trọng Phụng một cách khiên cưỡng, phiến diện" (Văn học Việt Nam hiện đại 1930 -1945, tập 1 - NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp)

"Tai nạn nghề nghiệp" ấy buộc Văn Tâm phải rời khỏi nhiệm vụ trợ giảng ở Trường ĐH Sư phạm - vị trí rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học. Ông ra khỏi trường ĐH Sư phạm trong tâm trạng của một con người không được tin cậy, về công tác ở phòng bổ túc văn hóa, Sở Giáo dục Hà Nội, sau đó về phòng phổ thông.

Nhưng ngọn lửa say mê văn chương của ông không hề tắt. Ông lẳng lặng làm việc, âm thầm nghiên cứu và đổi bút danh thành Tầm Dương, để năm 1964 ông xuất bản tiếp tập tiểu luận Tản Đà, khối mâu thuẫn lớn. Đây cũng là một tập tiểu luận xuất sắc về Tản Đà, ở đó Văn Tâm phát hiện kiểu yêu nước của Tản Đà, tinh thần dân tộc thấm nhuần trong từng câu thơ tưởng chừng như rất ngông nghênh của thi sĩ thích rượu, thích trăng, đi mây về gió này. Qua tiểu luận này, càng thấy Văn Tâm có năng lực cảm thụ và nghiên cứu văn học mới mẻ, vượt qua mọi định kiến, ông dám phủi lớp bụi thời gian để làm sáng lên một nhân vật văn học có vai trò quan trọng ở đầu thế kỷ XX. Nhưng số phận lại kéo Văn Tâm về với thực tại, dù không bị lên án như tiểu luận trước nhưng tác phẩm này cũng bị xem là "lạc điệu" trong hoàn cảnh lịch sử nhạy cảm lúc bấy giờ. Văn Tâm đã vượt qua được số phận nhưng cuộc sống kéo ông về thực tại. Từ đó ông sống thu mình, đọc sách, tự học, tự nghiên cứu, dạy học ở các trường phổ thông. Và ông đã là một nhà giáo dạy văn giỏi, danh hiệu nhà giáo ưu tú dành cho ông là một minh chứng.

  • "Vườn khuya một mình"
 

Bẵng đi gần 30 năm, cuối những năm 80, đầu 90, với sự nghiệp đổi mới bắt đầu khởi động, Văn Tâm trở lại văn đàn, trở lại một cách hăm hở và nồng nhiệt. Hàng loạt bài viết về văn học rất chắc tay, thấm đẫm nhân văn, tư duy chặt chẽ ra đời. Đây là thời kỳ "tan sương" của ông, ông viết về văn học lãng mạn, thơ mới, về ca trù, kịch... Năm 1991 ông được gia nhập Hội Nhà văn VN, 1992 tập tiểu luận Góp lời thiên cổ sự của ông được Tặng thưởng của Hội Nhà văn VN.

Một lần nữa, ông vượt qua số phận để đến với niềm đam mê của mình. Và hình như cảm thông, thấu hiểu nỗi đau của đời văn, ông đặc biệt thích "phủi bụi thời gian" với những tác giả "có vấn đề" như Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán... 30 năm trôi qua, ông không hề cũ đi, ông tiếp thu cái mới chọn lọc và tinh tế, ông viết về Nguyễn Huy Thiệp, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Hoài... với thái độ nghiêm túc và sáng tạo.

Đang sung sức, đang "làm lại cuộc đời" một cách hăm hở, bất ngờ ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Một lần nữa số phận lại cản trở ông. Nhưng không, với sự giúp đỡ của người vợ hiền Cao Thị Xuân Cam (ái nữ của cố giáo sư Cao Xuân Huy), ông lại viết. Quyết tâm sống, quyết tâm viết, để đến năm 2001 ông cho ra đời tác phẩm Vườn khuya một mình, một công trình ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, cho nên đó là một tác phẩm đặc biệt. Suốt 8 năm trời ông nằm trên giường bệnh, bà Cao Thị Xuân Cam vừa là thầy thuốc, người hộ lý, thư ký, người nâng đỡ cả thể xác và tâm hồn ông. Bà mua sách Phật, sách Thiền về đọc cho ông nghe trên giường bệnh, cho đến khi ông không còn nghe được nữa. Những ngày trọng bệnh ông vật vã, nhưng 5 ngày cuối đời, ông thanh thản để chuẩn bị về "ngôi nhà thật" của chúng ta, bà Cam hỏi: "Anh có còn điều gì giận, tiếc nuối nữa không", ông lắc đầu. Và giờ Tý, đêm 07.5, trước khi đi ông gọi ngọng nghịu: "Bà Cam ơi!".

Nhà nghiên cứu văn học tài năng và tâm huyết ấy đã ra đi, làng phê bình văn học vắng bóng một cây cổ thụ. Ông đã vượt qua số phận để có hàng ngàn trang sách hữu ích cho đời. Ông đã từng "phủi bụi thời gian" để cho những nhân vật văn học oan khuất trở nên lấp lánh, giờ thì đến lượt ông được "phủi bụi thời gian" và khuôn mặt ông càng lấp lánh hơn, trong sáng và rạng rỡ hẳn lên. Ở "ngôi nhà chung" ấy, ông không cô đơn giữa "Vườn khuya một mình", bởi trên trần gian - ngôi nhà tạm này, ông có độc giả đồng hành với ông trên những nẻo đường sáng tạo.

Góp ý (0) Thứ Hai, ngày 07 tháng 04, 2008

0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

Gởi góp ý mới

<< Trở về