» ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình
Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008

Trúc Hà: Tên anh gắn liền với chiến công bất tử!
Điểm Ngôi sao Blog: 36 (6 lượt)
| Bình chọn:
Bài viết cho ngày  27-7

Tên anh gắn liền với chiến công bất tử

bbb
Từ lâu đã được nghe những câu chuyện về Thiếu úy Công an vũ trang Trần Văn Thọ gắn với người Hà Nhì ở nơi ngã ba biên giới của Tổ quốc. Và tôi cũng có dịp đến, tiếp xúc với những con người mà anh đã từng “3 cùng” trong thời kỳ gian khổ. Giờ đã trở thành những ông lão, bà lão nhưng những câu chuyện về người cán bộ ấy dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.Và tôi hiểu: nơi đây, tên anh gắn liền với chiến công bất tử.

Ông Pờ Chí Tài (bản Tà Khó Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) năm nay đã bước qua tuổi 60 nhưng khi có ai hỏi về anh Trần Văn Thọ là đôi mắt ông dường như sáng hơn, giọng ông sôi nổi hơn. Bởi ông là một trong những người em, người học trò của người lính công an vũ trang, người thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Thọ ngày nào ở vùng biên cương này. Làm sao quên được những ngày tháng anh Thọ ở chung cùng một mái nhà, ăn cùng một mâm cơm. Trẻ con tranh nhau được anh cắt tóc, theo anh ra ruộng thăm lúa, đi bắt cá ngoài suối Mơ phí… Từ lúc nào chẳng biết, anh đã thực sự trở thành người thân của người Hà Nhì.

Những tháng đầu năm 1960, anh Trần Văn Thọ là đội trưởng đội địa bàn đi vận động người Hà Nhì thành lập Hợp tác xã ở Sín Thầu. Bởi vậy mà bản nào dù xa 4, 5 ngày đường cũng có dấu chân anh. Ngày ấy, người Hà Nhì chỉ biết phát nương trồng lúa, ngô, sắn. Năng suất thấp lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên một năm có đến 6 tháng thiếu đói. Anh Thọ đã nghĩ đến những cánh đồng lúa xanh tốt nơi anh đã đi qua. Anh xẻ đất, dẫn nước, đắp bờ làm ruộng trong sự tò mò, khó hiểu của mọi người. Năm ấy lúa của cán bộ Thọ sao tốt và nặng bông thế? Thấy được kết quả việc anh làm và nghe anh kể về những cánh đồng lúa nước bao la ở miền xuôi nên ai cũng muốn làm theo. Nhưng một mảnh ruộng có thể dùng tay, cả hàng trăm mảnh ruộng thì phải dùng cày, bừa mới làm được. Mà người Hà Nhì đã bao giờ nhìn thấy lưỡi cày, bừa đâu. Một buổi chiều anh mang về cặp nhung hươu bảo với Chính trị viên xã đội Pờ Pó Chừ (là bố của ông Pờ Chí Tài): “Anh mang cặp nhung hươu này sang Trung Quốc bán rồi hỏi mua người ta cái lưỡi cày. Phải có lưỡi cày mình mới làm ruộng nước được”. Ông Chừ xúc động lắm, vì nhung hươu là của quý, đắt tiền nhưng anh Thọ dám bỏ của tư làm của chung. Có lưỡi cày rồi, anh Thọ hướng dẫn cho bà con đóng bừa, để con trâu giúp người kéo cày, bừa ruộng. Ngày tất cả người dân xuống ruộng là ngày hội mà không người Hà Nhì nào nơi đây có thể quên. Và càng không, thể quên vị dẻo, vị ngọt của tình quân dân trong bát cơm đầu tiên ấy. Ở miền biên ải này, số người nói được tiếng phổ thông đếm trên đầu ngón tay, còn người biết chữ thì không có lấy 1 người. Và người dân vẫn nghĩ: từ trước tới giờ mình vẫn sống mà đâu cần tới cái chữ. Nhưng anh Thọ không nghĩ thế. Dưới mái nhà lợp gianh thưng vách nứa, buổi tối anh dậy xoá mù cho người lớn, ban ngày trẻ con thay vì theo cha mẹ lên nương, hoặc chơi rông, được anh dậy chữ, dạy hát. Anh Thọ có thể nói tiếng Quan Hỏa và tiếng Hà Nhì nên buổi học của anh không bị cản trở bởi sự bất đồng ngôn ngữ. Anh cũng nhất quyết dậy trẻ con tiếng phổ thông dù ở đất Sín Thầu chỉ có bộ đội là người Kinh. Lời nói của anh như vẫn còn đó: “Phải học tiếng Kinh thôi. Các em học tiếng phổ thông để mai này cũng trở thành cán bộ như anh, có thể về thủ đô hay bất cứ nơi đâu trên đất nước này”.
xxxxx

Người Hà Nhì còn nhớ về anh là người rất giỏi vận động nhân dân tố giác phỉ trên địa bàn. Ngày ấy người Hà Nhì nghèo lắm, ăn mặc đều không đủ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như thân tộc, bị ép.. nên một số gia đình vẫn làm “cơ sở” cho phỉ bằng cách giữ hàng, lương thực và súng đạn. Anh Thọ biết rõ điều này thế nhưng anh chẳng đến tịch thu, bắt người. Chỉ thấy anh đến từng nhà, nói chuyện với gia chủ. Cũng không biết anh đã nói những gì nhưng sau đó mọi người tự mang hàng hoá, súng đạn mình giữ nộp cho anh. Người này thấy người kia nộp, nhà này thấy nhà kia chỉ chỗ dấu súng đạn nên cũng không thể ngồi im nên chẳng mấy chốc các bản cũng thay nhau đến báo với anh các “cơ sở” của phỉ. Anh cho mang súng đạn về đồn, còn quần áo, hàng hoá anh mang chia cho những gia đình nghèo. Ông Tài được anh chia cho chiếc áo dạ mà theo trí nhớ thì: “Chiếc áo đó ấm lắm. Cũng chẳng biết là ấm thật hay vì vui bởi lần đầu tiên trong đời được có chiếc áo đẹp, ấm vì tình cảm của anh”.

Kể về ngày anh Thọ mất, ông Chang Chừ Chờ (trước ở bản Len Su Sìn nay ở bản Tả Khó Khừ) giọng trùng xuống. Nhà ông ở bản Phu Phang, gần Đồn BP Leng Xu Xìn nên anh Thọ rất hay xuống nhà chơi. Lúc thì anh mang cho cậu bé Chờ quả trứng, lúc thì hộp sữa lúc thì gói đường con con. Cậu bé Chang Chừ Chờ thường lên đồn ngủ với anh Thọ trên chiếc giường con ọp ẹp nhưng rất sạch sẽ. Một chiều, nghe người lớn nói “anh Thọ bị sốt rét rồi”. Cậu bé Chờ chưa kịp mang mía (món mà anh Thọ rất thích) để lên thăm thì đã nghe tin dữ “Anh Thọ mất rồi”. Người Hà Nhì vốn kiêng không cho trẻ con đi đám ma nhưng trẻ con lại đến rất nhiều trong đám tang anh Thọ. Ai cũng khóc. Những giọt nước mắt giành cho người cán bộ đã trở thành người con, người anh, người em, người bạn của người Hà Nhì tưởng như không ngừng. Năm ấy anh Trần Văn Thọ vừa tròn 26 tuổi. Thương anh lắm vì anh còn trẻ quá, vì anh chưa kịp cưới người con gái Hà Nhì anh yêu thương. Mộ anh được chôn trên đỉnh núi Len Su Sìn. Nơi ấy người Hà Nhì gọi là: “hòn ngọc giữa miệng Rồng”. Bây giờ đã có con đường chạy qua núi và người ta gọi đoạn đường ấy là dốc Trần Văn Thọ hoặc dốc ông Thọ. Lần đầu đi ngang qua nơi đây, mới lên tới lưng chừng, tôi đã ngửi thấy một mùi thơm rất dễ chịu. Trung úy Trần Văn Tương chủ động dừng xe rồi cười: “Mùi thơm của hoa long não đấy. Khi chon anh Thọ người ta trồng một cây long não để đánh dấu. Sau này, mộ của anh đã được di dời nhưng cây long não thì vẫn ngát hương như ngày nào.

Đã gần 40 năm trôi qua, kể từ này anh ra đi mãi mãi nhưng tên anh vẫn khắc sâu trong trí nhớ và trong những câu chuyện người già kể cho trẻ con Hà Nhì hôm nay. Còn đối với những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng quân trên địa bàn, nơi anh đã sống, làm việc nghĩ gì? Thiếu tá Lò Văn Sơn, Phó đồn trưởng Đồn BP Leng Xu Xìn nói: “Là thế hệ sau của anh Trần Văn Thọ, chúng tôi luôn nghĩ về anh như một tấm gương sáng. Chúng tôi hiểu, người Hà Nhì nơi đây cũng nhìn, cũng mong chúng tôi cũng sẽ như anh Thọ nên chúng tôi luôn cố gắng sống như anh”. Nghe những lời tâm sự này, nghe câu chuyện người dân kể, tôi hiểu rằng, tên anh sẽ mãi gắn với hai từ “bất tử” ở vùng biên này. Trúc Hà 
Truc Ha >> 10:44 AM 10 góp ý

10 Góp ý:

Vào lúc 09:03 AM | Chủ Nhật, ngày 27 tháng 07, 2008, Mưa SG

Bài viết này cần phải được phổ biến rộng rãi... Không nhất thiết cứ ngày Lễ mới công bố, mà cần phải cập nhật hàng ngày về những người chiến sĩ với những chiến công thầm lặng, về những bài học lịch sử tự hào của dân tộc, thế mới giúp thế hệ mai sau ý thức được lòng tự hào dân tộc...

Vào lúc 08:23 AM | Thứ Năm, ngày 24 tháng 07, 2008, Đại Bàng Trắng

brightMột bài hay và ý nghĩa!

Vào lúc 09:45 PM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, Trong_winC100

canhsat4saoNgoi sao blog phai can nhung bai viet nhu the nay!day moi la entry thuc te!

Vào lúc 08:54 PM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, Văn Thành Nhân

chumeoChào chị! Cám ơn chị về câu chuyện của người chiến sĩ CAND . Đây là câu chuyện hay , rất xứng đáng để những chiến sĩ CA chúng em noi theo

Vào lúc 07:55 PM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, Hằng_NemChua

hangkt32fUớc gì em cũng được đi nhìu như chị. Chị khoẻ ko?

Vào lúc 01:16 PM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, Lão Đạo Sĩ

nvhlatổ quốc ghi công anh !

Vào lúc 12:54 PM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, Rồng Xanh

bluedragon76Thấy bạn này đứng như lính gác ở trang chủ ấy!
Bạn viết hay. nhớ mãi công ơn những liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc.
Đang mùa hè nóng quá, mặc như bạn phơi ở trang chủ chắc nóng lắm?
Khè khè...

Vào lúc 11:30 AM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, hoa hướng dương

sadwomenChuyến đi nhiều kỷ niệm quá đồng chí nhỉ ?:D

Vào lúc 11:26 AM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, (vô danh)

"Tên anh gắn liền chiến công bất tử"
Tên anh còn mãi mãi với thời gian
Tên anh như sao sáng một miền cao
Tên anh.. bình yên cho đất nước này.

Vào lúc 11:12 AM | Thứ Ba, ngày 22 tháng 07, 2008, bantinblog

bantinblogXin đưa bài này qua bản tin Ngoisaoblog:
http://bantin.ngoisaoblog.com/index.php?mod=article&cat=chiase&article=856

Gởi góp ý mới

<< Trở về