Văn thơ
Mong trang web làm một sứ giả văn chương qua góc nhìn của một cá nhân!
Chủ Nhật, ngày 19 tháng 11, 2006

Đọc thơ Khổng Vĩnh Nguyên
Điểm Ngôi sao Blog: 3 (3 lượt)
| Bình chọn:
 

Phác thảo Khổng Vĩnh Nguyên

Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
                                                                   
(Hàn Mặc Tử)

 

Đọc Khổng Vĩnh Nguyên, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ này của Hàn. Hàn chỉ khuấy đảo vầng trăng thôi mà đã thấy bao tội lỗi trần thế chất chồng, để làm con chiên sám hối. Vậy mà gã làm thơ họ Khổng này đảo điên trời đất, ngất ngưởng mây trời, lặn vào quá khứ mà ảo tượng, chông chênh hiện thực mà nhỏ lệ tim mình. Gã có khi nào sám hối? Có đấy, một vùng quê mờ ảo cứ đi về thấp thoáng, mẹ già ngóng trông mòn mỏi. Vậy mà gã cứ đi, cứ say, say rượu cũng nhiều, say thơ cũng lắm. "Trong những mạch ngầm" (NXB Văn học – Hà Nội 2005) của Khổng Vĩnh Nguyên mải miết tứ thơ từ "Thăm thẳm bụi đường" để làm một cuộc rong chơi chưa biết bao giờ dừng lại.

Khổng Vĩnh Nguyên được mệnh danh đã nhiều, hỗn danh cũng có, nhưng dường như danh nào cũng khập khiễng vì ngự ở đó toàn là những cây đa cây đề: thi sĩ chân quê đã có Nguyễn Bính, thi sĩ lãng tử thì cả một trời cổ kim, thi sĩ bụi thì có Bùi Chí Vinh, thi sĩ tàng có Bùi Giáng tiên sanh. Rốt cuộc, Khổng thi sĩ không theo làm đệ tử chân truyền một trường phái nào. Làm thơ tầm vĩ mô thì dở, làm thơ kiếm cơm thì khó, nên cứ buột miệng thành thơ tất cả những gì tuôn trào ra trong mạch ngầm tâm hồn. Thành thử lại thành nhà thơ – theo cái nghĩa hồn nhiên nhất của từ này!

Đọc "Trong những mạch ngầm", theo suy nghĩ của tôi cần phải gạt qua một bên cái gọi là chủ nghĩa đề tài, cũng như dằn lại tư duy lý luận kinh điển để trước hết nhập vào mạch ngầm của tứ thơ. Sau đó, mới tìm thi ảnh, chủ đề, sắc điệu thẩm mỹ, quan niệm… Anh hoa phát tiết trong thơ Khổng Vĩnh Nguyên thì nhiều, nhưng hay bị xé lẻ trong những khoảnh khắc vụt hiện. Đặc biệt ở thơ lục bát, bên cạnh những câu dễ dãi thì có những câu khiến nhiều người mơ ước, ở đó hội tụ được cái say, cái nồng rất lục bát và rất Khổng Vĩnh Nguyên:

Giữa dòng bèo bọt lang thang

 

Lục bình ngoi ngóp tràng giang ngầu ngầu…

                                            (Nghe hạt phù sa)

No chiều rồi đói trưa mơi

Túp lều xiêu vẹo quê người ngẩn ngơ

                                      (Quê người)

Người làm thơ hay vận vào mình những cảnh đời gần gũi với tâm tính khí chất khiến câu thơ dễ hờn dễ tủi. Trông người mà ngẫm đến ta là cảm hứng thường trực trong nhiều bài của Khổng Vĩnh Nguyên. Lên rẫy hay về với nẫu nguồn thì anh vẫn bị giày vò trong tâm trạng buồn của một kẻ lãng du đã lâu chưa về cố quận. Cái đẹp xao xác trong thơ anh là bóng hình mẹ già, quê hương, còn cái đẹp cụ thể hiện thực thì hiện mờ mờ như ảo ảnh lễnh loãng đôi khi hình thành ở anh những ngộ nhận những phóng cuồng trong câu chữ. Khổng Vĩnh Nguyên hiền lành ngay cả ở những bài cao giọng ngẫu hứng, những triết lý thế thái nhân tình tưởng chừng bặm trợn. Anh đã phải trả giá bằng những mất mát riêng tư để cái mất ấy lại làm nên cái được của thơ anh. Nên có lúc nói kiểu bất cần mà sâu thẳm bên trong là một nỗi buồn khó tan. Khổng Vĩnh Nguyên là con người của trực cảm nên những khái quát của anh trong thơ đôi khi hồn nhiên ngộ tính như trẻ thơ:

Chắc bà thương thằng cháu quê mùa

 

Đang phấn đấu hết lòng bảo vệ trẻ con và bà goá…

                         (Bà Rịa ơi, Bà còn nhớ cháu không)

Giọng điệu chủ đạo của tập thơ này phần nhiều gắn với tâm thế của một kẻ phiêu bạt luôn nhớ về cố xứ, nhưng trở về thì lại nhớ nhung cuộc sống thăm - thẳm - bụi - đường, muốn làm một Rô-Bin-Sơn giữa làng quê buồn. Đôi khi nó trở thành giọng khinh bạc phẫn uất hoặc bất cần. Tôi không thích cái giọng đó của Khổng Vĩnh Nguyên, thậm chí còn khó chịu với những ý nghĩ phụ bạc với đời của anh, nhất là những câu phụ phàng với chính mảnh đất sinh ra mình, kiểu: Tìm chút vui hờ trong nhữngngười say rượu/ Nhìn cuộc đời như có như không (Những chuyến về quê) hay Kiếp người vẫn kiếp trầm luân/Quê hương nhiếp dẫn gian truân sai miền (Xin chào điện cúp), Ở quê lâu cũng buồn/ Muốn bỏ nhà đi miết (Sống tạm). Đó không phải là vô-vi, “huyền-đồng của Đạo đức kinh” gì cả mà là mặc cảm bản thân không được kiềm chế. Một gã giang hồ tiền bối là thi nhân Nguyễn Bính khi nhớ quê nhà thì xa xót ray rứt với những vần thơ ứa máu trái tim người đọc: Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi/Tiếc công cha mẹ đẻ người con hư… hay bên trời Tây một lãng tử thi nhân là X. E-xê-nin cũng khiến ta thổn thức: Con có đâu nát rượu sa đà/ Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ… (Thư gửi mẹ). May thay những suy nghĩ của Khổng ly khách, giang hồ trên quê hương lập dị kiểu đất đai không một chỗ nằm riêng ta vẫn chưa làm cạn kiệt hẳn cái mạch ngầm quê kiểng trong anh, nên người đọc vẫn có thể tìm chút nguồn đồng cảm:Tôi cày trên cánh đồng thơ/Vãi gieo hạt giống đợi chờ mùa sau (Trên cánh đồng thơ), Nghĩ đời vung vãi rạ rơm/Mười năm gió bụi còn thơm quê nhà (Mười năm gió bụi). Anh nhiều phen sống với nỗi nhớ đứt ruột, để trở về với chính mình: nhớ đồng, nhớ mẹ, nhớ con, nhớ cả những vẻ đẹp những tình xưa đã xa quá tầm tay với (Nửa đêm thức giấc nhớ đồng, Bên cầu tiếc thương, Nhớ con, Xưa cô láng giềng, Nhớ mẹ chiều tóc bạc). Tuy nhiên nỗi nhớ ấy vẫn chưa giục giã được bước chân anh trở về vui bữa cơm dưa, gặp lại những bóng hình thân quen cũ. Có lẽ cuộc sống của một thi sĩ nghèo đi nhiều thấy nhiều khiến anh nhạy cảm với những mảnh đời hẩm hiu, cuộc sống đầu tắt mặt tối. Tâm cảm ấy làm nên những bài thơ xúc động như Quê người, Đồng chiêm ngập lụt, Khóc theo cháu bé… Khổng Vĩnh Nguyên còn có những câu thơ giàu ân tình với bè bạn, bạn thơ, bạn rượu, bạn giang hồ, bạn tâm giao: Tôi người cô lậu buồn teo/ Nhớ chiều anh vượt bãi đèo thăm tôi/ Ngồi nghe bọt bể tan rồi/ Câu thơ còn đọng núi đồi anh đi… (Ngồi nghe bọt bể), Trèo lên thăm rẫy thăm nương/ Trèo lên thăm bạn nhớ thương quá chừng (Trèo lên). Mạch nguồn thơ của Khổng Vĩnh Nguyên là ca dao dân dã, cộng với cuộc đời long đong râu tóc phong trần thành những vần thơ ngọt ngào cơm thơm quyện lẫn chút lằn nhằn sỏi sạn. Anh yêu thơ, cuồng thơ, thờ thơ như một xác tín để sống với đời, tự nguyện “mang lấy nghiệp vào thân”. Nên đáng trọng! Và thương. Mạch ngầm thơ ấy chắc vẫn không chịu cạn kiệt .

 

Trần Hà Nam

Trần Hà Nam >> 09:33 AM 0 góp ý

0 Góp ý:

Chưa có góp ý nào !

» Để gởi góp ý mới, bạn cần đăng ký 1 tài khoản tại đây !

<< Trở về

Blog tranhanam
tranhanam Tên:
Trần Hà Nam
Nơi cư ngụ:
Quy Nhơn, Bình Định, Vietnam
Số điểm của Blog này là 2882 (số lần vote: 728)


Trang web của tôi

Đường dẫn yêu thích
    hieept
    nguyentuan2007
    helpinghand
    kitty911
    arctic



Powered by Ngoisaoblog.com

  » ngoisaoblog.com » Nghe nhạc » Viết bài » Đăng hình